Đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp bán lẻ |
Chia sẻ tại sự kiện trực tuyến chuyên đề “Xu hướng và cơ hội tăng trưởng với thương mại điện tử trong 2023” do Công ty CP Công nghệ Haravan phối hợp cùng Ngân hàng Đại chúng TNHH KASIKORNBANK (KBank) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Lê Tiền Nghệ - Product Manager Ngân hàng Kbank khẳng định: Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME/MSMEs) là “xương sống” của nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 30%. Tỷ trọng đóng góp GDP của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng từ 29,3% năm 2017 cho đến 29,6% năm 2021, với lượng khách hàng có thể tăng trưởng lên đến 37 triệu trong vòng 10 năm sắp tới. Đây là tín hiệu vô cùng tốt.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp thường vướng phải và chật vật tìm cách giải quyết là “nguồn vốn”. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 800.000 doanh nghiệp trong đó 97% là doanh nghiệp SMEs và có tới 41% doanh nghiệp SMEs đang đứng trước tình thế khó tiếp cận vốn vay.
Theo ông Nghệ, thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm đến sự hỗ trợ tài chính ở phía ngân hàng nhưng thủ tục luôn khá phức tạp. Cộng thêm ở thời điểm hiện tại, phía ngân hàng nhà nước đang thắt chặt tiền tệ, khiến các ngân hàng thành viên không thể hỗ trợ khách hàng vay quá nhiều và “huy động lãi suất” khiến lãi suất tiền gửi tăng cao dẫn đến lãi suất cho vay tăng theo.
Trước thực tế vay vốn khó thì kinh doanh trực tuyến được cho là giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp sử dụng dòng vốn hiệu quả hơn. Cụ thể là kinh doanh trên các kênh thương mại điện tử quen thuộc như Facebook, Tik Tok Shop hay livestream…
Theo ông Lê Anh Tuấn - Founder & CEO, Firstcom Digital, để tăng trưởng kinh doanh trên các kênh này, doanh nghiệp cần xác định rõ nhóm đối tượng phù hợp với phân khúc sản phẩm và kênh bán tương ứng với đối tượng hướng đến. Tiếp đó doanh nghiệp nên có sự kiểm soát chặt chẽ về việc quản lý dòng tiền hiệu quả trước thực tế vay vốn bắt đầu khó và nhu cầu mua sắm có thể giảm khi xảy ra lạm phát khiến biên lợi nhuận có nguy cơ giảm suất, những rủi ro về hàng hóa, tiền bạc sẽ phức tạp hơn.
“Để quản lý tốt dòng tiền một cách khoa học mỗi doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống tính chính xác số tiền chi thu định kỳ, nguồn tiền xoay chuyển. Nên triệt để áp dụng công nghệ trong quản lý kho, quản lý đơn, dự báo nhu cầu. Việc sử dụng tốt công nghệ sẽ giảm tải các sai sót, kịp thời phát hiện rủi ro và có cơ sở chuẩn bị nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh…” - ông Tuấn nói.
Liên quan đến xu hướng kinh doanh thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing Công ty CP Công nghệ Haravan cho biết: Mô hình bán lẻ đa kênh Omnichannel (kết hợp bán hàng online với bán hàng offline), kinh doanh D2C - Direct to consumer (xây dựng quy trình bán hàng trực tiếp đến khách hàng); “Thương mại hội thoại” và livestream trên các trang mạng xã hội kết hợp với các KOL (Key Opinion Leader - Người có sức ảnh hưởng dư luận), KOC (Key Opinion Consumer - Người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường), là 4 xu hướng kinh doanh tiềm năng được người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt yêu thích. Các doanh nghiệp nên ứng dụng 4 mô hình kinh doanh mới mẻ này để tiếp cận, thu hút khách hàng tốt hơn; tăng doanh thu và cắt giảm chi phí; xây dựng uy tín cho thương hiệu. Đồng thời, việc tận dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành kinh doanh cũng tạo nên nhiều thành công ấn tượng cho các doanh nghiệp.
Dự đoán về nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thương mại điện tử, đặc biệt là ngành bán lẻ trong thời gian tới, ông Tấn cho biết thêm: Thị trường thương mại điện tử trong giai đoạn này được dự báo sẽ rất cạnh tranh khi các dịp lễ tương đối gần nhau. Nhiều nhà bán lẻ sẽ tung ra hàng loạt khuyến mãi cùng với đó là các hoạt động marketing nhằm thu hút khách hàng. Đây chính là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp sẵn sàng kế hoạch chạy nước rút trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Trước bối cảnh các xu hướng kinh doanh thương mại điện tử có sự chuyển đổi và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, Công ty CP công nghệ Haravan đã ký kết hợp tác với KBank triển khai gói vay tín chấp Haravan Finance x KBank - đồng hành với các doanh nghiệp SMEs đang có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn dự bị cho các kế hoạch phát triển và duy trì ổn định hoạt động kinh doanh.
Đây là giải pháp tài chính hữu hiệu kết nối doanh nghiệp SMEs tiếp cận nguồn ưu đãi và đánh giá khả năng tài chính doanh nghiệp qua thông tin về lịch sử báo cáo kinh doanh được đồng bộ trên cơ sở dữ liệu Haravan, giúp cả phía doanh nghiệp và ngân hàng tiết kiệm được 70% thời gian và quy trình kiểm định giải ngân so với mô hình vay truyền thống. |
Mai Ca
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|