Tận dụng CPTPP, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mexico

(Banker.vn) Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.
Hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Mê-hi-cô năm 2023 theo Hiệp định CPTPP Quy định mới của EU đối với hàng dệt may: Cập nhật để khai thác thị trường hiệu quả

Từ nhiều năm nay, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển. Các chuyên gia nhận định, quan hệ Mexico và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Trước tiên, hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trở thành đối tác thương mại của nhau.

Bên cạnh đó, xét khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương, cũng như trong bối cảnh tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực hiện nay, Mexico trở thành đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam; do Mexico có tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam quan tâm, như thịt bò, thịt lợn, nông sản và đồ uống. Ngược lại, các mặt hàng của Việt Nam cũng hoàn thiện chuỗi cung ứng của Mexico. Mexico có 14 FTA với 50 quốc gia trên thế giới cũng như kim ngạch thương mại hàng nghìn tỷ USD. Điều này mang đến cho lĩnh vực những cơ hội to lớn và hi vọng các doanh nghiệp sẽ tận dụng được những cơ hội này.

Đáng chú ý, kể từ khi CPTPP được ký kết và đi vào hiệu lực từ đầu năm 2019 đối với hai nước. Với thị trường tương đối dễ tính với dân số dân số khoảng 120 triệu người, dung lượng nhập khẩu hàng năm khoảng 400 tỷ USD, sức tiêu thụ mạnh, ước tính mỗi năm Mexico nhập khẩu khoảng 900.000 tấn gạo, 1,8 tỷ USD hàng dệt may và 1,1 tỷ USD hàng giày dép các loại.

Tận dụng CPTPP, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mexico
Tận dụng CPTPP, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mexico - Ảnh: TTXVN

Trong khối các nước CPTPP, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam do có nền kinh tế phát triển năng động. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp Mexico ngày càng quan tâm. Mexico hiện trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.

Với cam kết của CPTPP, Mexico xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14/01/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Những ưu đãi này tạo cơ hội lớn cho một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm: Cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may...

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường thuộc khối Hiệp định CPTPP đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 29,6% so với năm 2021, trong đó, với thị trường lần đầu tiên có FTA với Việt Nam như Mexico, Canada đều tăng trưởng ở mức cao, hai con số. Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường thành viên CPTPP như Canada, Mexico cao cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA thế hệ mới.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2536/QĐ-BCT về lượng hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico năm 2023 theo Hiệp định CPTPP. Theo quyết định này, sẽ có 250.000 kg sợi; 2.500.000 chiếc quần áo dệt kim; 750.000 chiếc quần áo dệt thoi; 50.000 chiếc tã trẻ em làm từ sợi tổng hợp và hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico năm 2023 theo Hiệp định CPTPP, quyết định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thương nhân có nhu cầu được cấp Chứng thư xuất khẩu cho hàng dệt may sang Mexico để hưởng hạn ngạch thuế quan xuất khẩu theo CPTPP năm 2023 theo Quyết định nêu trên, thực hiện theo Thông tư số 07/2019/TT-BCT ngày 19/4/2019 của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu hàng dệt may sang Mexcio theo CPTPP. Thương nhân xuất khẩu hàng dệt may sang Mexcio theo CPTPP (bao gồm cả thương nhân xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan và cả thương nhân xuất khẩu không theo hạn ngạch thuế quan), phải đăng ký thông tin với Bộ Công thương để thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mexcio theo CPTPP.

Mặc dù là một thị trường tương đối dễ tính với sức tiêu thụ mạnh, tuy nhiên, Mexico vẫn có những tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ về chỉ dẫn xuất xứ, an toàn thực phẩm... đối với hàng hóa nhập khẩu và lưu thông. Để tận dụng Hiệp định CPTPP khai thác hiệu quả thị trường Mexico, các chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết doanh nghiệp cần có cách thức tiếp cận thị trường một cách phù hợp. Cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của mình, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường Mexico; nghiên cứu các quy định của Mexico về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn hàng hóa)…

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.

Để mở rộng xuất khẩu, tăng thị phần hàng Việt Nam tại Mexico, các chuyên gia thương mại lưu ý nhà phân phối Mexico không nhập khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp mà họ cần sản phẩm đã được đăng ký và đang phân phối tại Mexico. Song song với đó, doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ theo hình thức tập trung nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức đoàn và làm thành cả khu triển lãm hàng hóa Việt Nam. Từ đó, tạo dấu ấn và thu hút sự quan tâm, làm quen của người dân Mexico với sản phẩm của Việt Nam.

CPTPP là khối thương mại đại diện cho 500 triệu dân, với GDP khoảng 13.500 tỷ USD, đã mang lại những cơ hội mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục