Tân Chủ tịch HĐQT “gen Z” của Chứng khoán Hòa Bình là ai?

(Banker.vn) Với “profile” ấn tượng cùng số cổ phiếu đang nắm giữ ở mức cao, ông Lê Đình Dương (20 tuổi) đã được bầu cử làm Chủ tịch HĐQT của HBS.
Tân Chủ tịch HĐQT “gen Z” của Chứng khoán Hòa Bình là ai?
Chứng khoán Hòa Bình có Tân Chủ tịch HĐQT “gen Z”

Vừa qua, Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) đã thông báo thay đổi nhân sự. Cụ thể, Công ty đã thông qua quyết định miễn nhiệm ông Trịnh Thanh Giảng về làm thành viên HĐQT vì lý do cá nhân, tân Chủ tịch HĐQT là ông Lê Đình Dương.

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT mới của Chứng khoán Hòa Bình thuộc thế hệ “gen Z”, ông sinh năm 2003, tức là mới chỉ tròn 20 tuổi. Trước đó trong cuộc họp ĐHĐCĐ, ông Lê Đình Dương cũng là một trong số những người được bầu vào HĐQT cùng ông Lê Xuân Tùng, ông Nguyễn Anh Đức và ông Lê Tiến Dũng.

Được biết, tính đến tháng 7/2023, Chủ tịch “gen Z” đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu HBS, tương đương 15,15% vốn điều lệ của Công ty. Ông Dương nâng tổng số cổ phiếu của mình bằng phương thức thỏa thuận từ cuối năm 2022, khi giá cổ phiếu HBS đang “chìm dưới đáy”. Như vậy, ông Lê Đình Dương là vị Chủ tịch HĐQT trẻ nhất ở thời điểm hiện tại.

Theo tìm hiểu, ông Lê Đình Dương là em trai của ông Lê Xuân Tùng – thành viên HĐQT. Mẹ ruột của tân Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Loan – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex. Trước khi bị miễn nhiệm từ tháng 4/2022, bà Loan có 14 năm ngồi “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT của HBS.

Về lý do bị miễn nhiệm, bà Nguyễn Thị Loan bị bắt và khởi tố từ quý IV/2021 vì nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Khi đó, tổng thiệt hại tài sản Nhà nước từ những sai phạm của bà Loan ước tính khoảng 200 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 27/7/2023, Công ty cũng đã công bố thay đổi nhân sự lớn, quyết định bổ nhiệm ông Đinh Thế Lợi làm Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Thành Nam. Sau khi miễn nhiệm, ông Nguyễn Thành Nam tiếp tục giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS) được thành lập vào tháng 11/2007 theo Quyết định của Uỷ Ban Chứng khoán Nhà. Lĩnh vực hoạt động chính của HBS xoay quanh lĩnh vực chứng khoán, bên cạnh đó còn có tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Công ty được thành lập với số vốn điều lệ là gần 330 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập là các tổ chức lớn như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội… Trụ sở của Công ty được đặt tại số 34 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quan sát báo cáo tài chính quý II/2023 vừa qua, HBS ghi nhận doanh thu thuần đạt 3,2 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức doanh thu âm gần 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính đã tăng gấp 5 lần, đạt 6,5 tỷ đồng chủ yếu từ lãi tiền gửi.

Ở kỳ này, chi phí hoạt động của HBS giảm khoảng 79%, về mức 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh, ở ngưỡng âm 63 triệu đồng thay vì âm 6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý công ty cũng tăng 61%, chạm ngưỡng 3 tỷ đồng.

Khấu trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận sau thuế của HBS đạt 3,8 tỷ đồng, tạo một khoảng cách khá xa so với mức lỗ 12,7 tỷ đồng ở quý II/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBS đạt 6,4 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng khoảng 98%, đạt 7,8 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính “nhảy vọt”.

Về tài sản, HBS hiện có tổng cộng tài sản là hơn 414 tỷ đồng, tăng khoảng 9 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 87%, đạt 361 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của HBS lên tới 411 tỷ đồng, chiếm 99%. HBS chỉ đi vay khoảng gần 3 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn.

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán