Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Doãn Thị Huyền Trang (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng).
Có vô số cách để bạn thể hiện sự tử tế với người xung quanh: trả tiền gửi xe cho người phía sau, nhường ghế xe buýt cho người già, trẻ em, phụ nữ, là người mở lời chào hỏi,… là những điều đơn giản để khởi đầu. Tôi chắc chắn rằng rồi một ngày bạn sẽ ngạc nhiên và vô cùng hạnh phúc vì có ai đó đã trả tiền để dành một điều bất ngờ ý nghĩa cho mình.
Tôi từng là một cô nhân viên ngân hàng, trẻ trung năng động. Tôi đã có một quãng thời gian 8 năm thực sự ý nghĩa vì từng là một banker DongA Bank Chi Nhánh Lâm Đồng. Tất nhiên trong 8 năm đó,không phải cứ êm đềm mà trôi qua, cũng có những lúc họp hành, bị la mắng, bị tai nạn nghề nghiệp phải đền tiền, phải chịu khiếu nại… và đủ thứ áp lực như bất kỳ làm ở một tổ chức nào. Nhưng hôm nay, trong khuôn khổ của bài viết này tôi sẽ kể câu chuyện đã khiến tôi luôn cảm động và mãi mãi không thể quên.
Tôi sẽ không nói lời cảm ơn bởi đó sẽ là quá khách sáo trong trường hợp này, lúc đó tôi chỉ cần cứ là một nhân viên tốt, một nhân viên nhiệt tình với đơn vị thì có lẽ là đủ để hơn hết mọi lời cảm ơn mà tôi muốn gửi tới anh – một người lãnh đạo khó tính – khó và luôn khó với mọi quy định, quy trình của tổ chức.
Anh không là lãnh đạo trực tiếp, cũng không ở gần để tôi biết anh là ai khi mà tôi vừa mới bước chân vào ngôi nhà Đông Á năm 2010. Chỉ những cuộc họp hay những chuyến công tác ngang qua Đà Lạt chúng tôi mới gặp anh. Một gương mặt lạnh lùng, những phương án kinh doanh rõ ràng, những kinh nghiệm thực tế… tất cả được anh truyền đạt trong cuộc họp đầy thuyết phục.
Nhưng không hiểu sao lúc nào tôi cũng sợ, sợ một cái gì đó từ phía anh… có lẽ vì nhìn anh quá nghiêm khắc.
Ngày 8/3/2012, tôi tham gia viết “Gửi người phụ nữ tôi yêu” - cuộc thi nói về nỗi nhớ đến người phụ nữ mà bạn yêu nhất. Và tôi nhớ mẹ, gần 5 năm tôi không trở về thăm quê, thăm mẹ. Niềm vui đạt giải thưởng, niềm vui được trải lòng đã làm tôi không ngủ suốt đêm. Nhưng điều bất ngờ nhất tôi nhận được là một tấm vé máy bay khứ hồi về quê từ phía lãnh đạo - là anh. Với tôi đó không chỉ là tấm vé có giá trị mà hơn hết là tôi cảm nhận được sự quan tâm của một người lãnh đạo bận rộn đến một cô nhân viên bình thường.
Ai đó sẽ hỏi là vì sao chỉ một tấm vé mà 5 năm không về quê. Nếu tự mua thì vẫn được nhưng mỗi lần định đặt vé thì những nỗi lo về cơm áo gạo tiền lại ùa về. Nỗi nhớ thì có thể cất giữ được nhưng cơm ăn hằng ngày, sữa uống cho con…thì không thể không mua.
“Nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn”
(Thơ vui về phái yếu – Xuân Quỳnh)
Cứ mỗi lần như thế lại làm cho tôi nặng lòng và cứ thế 5 năm rồi có khi nhiều hơn thế… không về quê.
Anh bận rộn trăm công ngàn việc, vậy mà vẫn đọc và quan tâm đến đời sống của những nhân viên bình thường như tôi, chính điều đó làm tôi cảm động hết sức.
Một tấm vé - chuyến thăm quê với biết bao kỷ niệm thuở thiếu thời: con đường làng nay đã đổ bê tông cứng cáp, không còn lầy lội như xưa; lũy tre đầu làng cũng đã được thay bằng những trụ điện cao thế…mọi thứ đã đổi thay, duy chỉ gương mặt mẹ là vẫn thế, đôi mắt vẫn nhớ con đến nao lòng, đôi mắt hằn sâu những thương yêu chất ngất!
Một nét bút tri ân hôm nay xin cho tôi được gửi tới anh hơn vô vàn lời cảm ơn tự đáy lòng - một tấm vé nghĩa tình, một chuyến thăm quê đầy cảm xúc. Cho tôi được chúc anh nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
Dù rằng bây giờ tôi đã nghỉ công việc ở Ngân hàng Đông Á, nghỉ hẳn công việc làm ngân hàng nhưng tình yêu với công việc, những kỉ niệm, kí ức tươi đẹp tựa hồ như luồng gió mát vẫn luôn chảy trong tâm hồn tôi.
Tôi viết về anh – anh Nguyễn Quốc Toàn – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á.
DOÃN THỊ HUYỀN TRANG
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|