Tâm điểm mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2023: "Nóng" chuyện sáp nhập

(Banker.vn) Mùa đại hội cổ đông các ngân hàng năm nay, câu chuyện sáp nhập, thâu tóm có lẽ là đề tài đang được quan tâm nhiều nhất...

"Nóng" các thương vụ sáp nhập

Chiều ngày 21/4 vừa qua, Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) được tổ chức đã nhận được sự quan tâm của cổ đông về việc sáp nhập và không chia cổ tức.

Trong phần thảo luận, cổ đông đã dẫn những trường hợp sáp nhập trong hệ thống ngân hàng trước đó và nhìn nhận là không thành công nên đặt vấn đề: “Việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào MSB có vội quá hay không"?

Tâm điểm mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2023:

Trả lời vấn đề này, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, nhìn vào việc sáp nhập trong những năm vừa qua với MDB cho thấy, MSB có những kinh nghiệm quản trị hoạt động, nên quá trình M&A sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, kết quả hoạt động cũng như vấn đề xử lý nợ. HĐQT cũng như ban điều hành hoàn toàn rất thận trọng khi mà phải đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng nào đó.

Theo đại diện MSB, trước mắt, sẽ xin ý kiến cổ đông rồi HĐQT sẽ tiếp tục đánh giá để đưa ra quyết định cuối cùng. Kết quả biểu quyết sẽ cho thấy được ý kiến của các cổ đông lớn.

Là cổ đông lớn của MSB, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biếr, vấn đề sáp nhập ngân hàng, HĐQT không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt. Việc đưa ra ĐHCĐ chỉ mới là bước xin chủ trương ban đầu.

Tuy vậy, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Do đó, tờ trình về việc sáp nhập này của MSB không được đại hội cổ đông thông qua.

Tại đại hội cổ đông của Vietcombank ngày 21/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng đã trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Hiện Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc và đang đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài Vietcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) cũng là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Tại đại hội cổ đông ngày 18/4, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank - cho biết mọi việc "vẫn trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng và hiện chỉ có thể thông tin như vậy".

Trở lại với việc nhận chuyển giao bắt buộc, hiện có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cũng thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.

Còn với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được nâng room vốn ngoại lên 49%.

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém; trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Ngân hàng Nhà nước nhận định việc cho phép tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, kinh tế - xã hội và không ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ ngân hàng.

Như vậy, các ngân hàng thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có cơ hội được nới room ngoại, tăng dư địa cho các phương án huy động vốn, nâng cao năng lực tài chính...

Ngóng chờ cổ tức

Năm nay, với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã bổ sung ngay phương án chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu. TPBank thông báo phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023, dự kiến là 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả dự kiến trong quý I/2023

Trong kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2022 của ACB, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên, ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau 7 năm. Lần gần đây nhất là năm 2015, ACB đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 700 đồng. VPBank cũng dự kiến từ năm nay sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, cho biết, sau khoảng 3 năm tuân thủ quy định của NHNN về không chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng tiềm lực cho ngân hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, từ năm 2023, VIB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. “Năm 2023 nếu không có hạn chế thì có thể đặt kỳ vọng chia cổ tức từ 30% trở lên. Tỷ lệ chia cổ tức cao đã được VIB duy trì thành thông lệ qua nhiều năm”, ông Đặng Khắc Vỹ thông tin thêm.

Theo đánh giá của ông Trần Tánh – Phó Trưởng phòng phân tích và nghiên cứu CTCK Yunata, khác với mọi năm, năm nay các ngân hàng đã được phép chia cổ tức bằng tiền mặt. Do đó chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt để đáp ứng yêu cầu của các cổ đông. Song thực tế, ông Tánh cho rằng, không phải ngân hàng nào cũng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt. Các ngân hàng có bộ đệm vốn cao, việc chia cổ tức bằng tiền mặt không vấn đề gì. Nhưng một số ngân hàng có hệ số CAR thấp thì sẽ phải cân nhắc, bởi bộ đệm vốn mỏng sẽ rất rủi ro khi thị trường có biến động. “Đối với những ngân hàng này lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu là phù hợp, không nên chạy theo chia cổ tức bằng tiền mặt để vừa lòng các cổ đông tự gây khó cho mình”, ông Tánh khuyến nghị.

Phiên giao dịch ngày 24/4/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Nhận định chứng khoán ngày 24/4/2023: VN-Index lùi xuống test ngưỡng 1.040 điểm

VN-Index ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp để đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.042,91 điểm. Theo nhận định, trong phiên giao dịch ...

Thị trường chứng khoán ngày 24/4/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu ngân hàng khiến VN-Index nối đà giảm điểm; Cổ phiếu PVL sẽ về sàn UPCoM từ ngày 25/04; Cổ đông lớn của Telcom ...

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục