Giá dầu giằng co trước tác động trái chiều bởi thiếu hụt nguồn cung Giá dầu tăng tháng thứ 4 liên tiếp |
Kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+), đặc biệt là Saudi Arabia và Nga đã thành công đẩy giá dầu liên tục đi lên. Đáng chú ý, quý III, giá dầu đã leo mốc 95 USD/thùng. Với tâm điểm cuộc họp của nhóm vào hôm nay (ngày 4/10), thị trường đang "nghe ngóng" xu hướng giá dầu cuối năm sẽ đi theo kịch bản nào, và liệu sẽ tác động gì tới tình hình kinh tế vĩ mô trong nước?
OPEC+ khó nới lỏng kế hoạch nguồn cung
Theo dữ liệu từSở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu đã tăng gần 30% trong quý III sau hai quý giảm đầu năm, đánh dấu quý tăng giá mạnh nhất kể từ cuộc xung đột biển Đen vào đầu năm ngoái. Có thể thấy, kế hoạch cắt giảm 1,3 triệu thùng dầu/ngày của Saudi Arabia và Nga đã thực sự đẩy thị trường đối diện với tình trạng thâm hụt. OPEC ước tính mức thâm hụt rơi vào khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong quý III, tương đương gần 2% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Mức thâm hụt và diễn biến giá dầu WTI |
Giá dầu tăng cao khiến nhiều người cho rằng Saudi Arabia và Nga có thể dần nới lỏng cắt giảm nguồn cung trong cuộc họp ngày 4/10. Tuy nhiên, khả năng sẽ rất khó để hai quốc gia này xoay chuyển kế hoạch. Vì sao vậy?
Nguyên nhân là do chính sách "bơm ít thùng hơn" của Saudi Arabia và Nga đã giúp hai quốc gia này thu về thêm hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong những tháng gần đây. Theo tính toán của Energy Aspects, việc tăng giá đang bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng bán hàng. Doanh thu từ dầu mỏ của Saudi Arabia trong quý này có thể tăng 2,6 tỷ USD so với quý II, tương đương mức tăng 5,7%, trong khi Nga cũng thu được thêm khoảng 2,8 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Saudi Arabia đang tích cực tăng chi tiêu cho phát triển các siêu dự án, nhưng ngân sách quốc gia này dự báo thâm hụt 82 tỷ riyals (21,86 tỷ USD), tương đương khoảng 2% GDP trong năm nay.
Hồi đầu năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính giá dầu hòa vốn của Saudi Arabia để cân bằng ngân sách là khoảng 81 USD/thùng. Nếu nước này tiếp tục gặp khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn như hiện tại, thì mức giá hòa vốn có thể tăng lên gần 100 USD/thùng. Do đó, rất khó để Saudi Arabia chấp nhận giá dầu dưới 80 USD/thùng và việc duy trì kế hoạch cắt giảm nguồn cung là một giải pháp”.
Mặc dù vậy, giá dầu tăng cao cũng sẽ đem lại động lực gia tăng nguồn cung từ các nước khác, và rủi ro làm giảm sức cầu.
Nếu OPEC+ giữ quan điểm, rủi ro nào xảy ra?
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ đã sản xuất 12,99 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7, gần sát mốc kỷ lục 13 triệu thùng/ngày hồi tháng 11/2019.
Nhưng tốc độ tăng sản lượng tương đối chậm khi các công ty khoan dầu của Mỹ đối mặt với tình trạng lạm phát chi phí. Số lượng giàn khoan, một chỉ báo sớm về sản lượng trong trung và dài hạn cũng liên tục giảm, báo hiệu sản lượng khó bùng nổ. Hiện tại, số giếng đã khoan chưa hoàn thành (DUC) giảm xuống còn 4.788 giàn, thấp nhất kể từ tháng 5/2014.
Sản lượng dầu Mỹ và số giàn khoan dầu DUC |
Nếu tác động cắt giảm sản lượng từ phía OPEC+ dài hạn hơn, sẽ rất khó để Mỹ bù đắp được hoàn toàn khoảng trống thiếu hụt dù là nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nhu cầu có xu hướng giảm khi giá tăng quá cao. Một số chuyên gia cho rằng giá dầu từ 100 đến 110 USD/thùng, và giá xăng tăng từ 4 đến 4,25 USD/gallon có thể khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi.
Nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đánh giá: “Sức ép tiềm ẩn lớn nhất cho nhu cầu đó là bức tranh kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn. Giá dầu tăng cao mang theo rủi ro lạm phát, dẫn đến việc các Ngân hàng Trung ương phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài. Về trung và dài hạn, nguy cơ suy thoái vẫn đang tiềm ẩn với nền kinh tế lớn như Mỹ hay châu Âu. Một số dự báo cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi "đòn roi" lãi suất bắt đầu thấm sâu vào các hoạt động kinh tế. Đây mới chính là ẩn số khó đoán đối với diễn biến giá dầu cuối năm”.
Thách thức cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm
Trước khả năng OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng, giá dầu thế giới vẫn có thể ở mức cao trong quý IV năm nay, trừ khi sức ép tăng trưởng từ các nền kinh tế lớn hiện hữu sớm hơn dự kiến. EIA dự báo giá dầu WTI sẽ ở mức trung bình 88,6 USD/thùng trong quý cuối năm. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới giá xăng dầu, tình hình lạm phát và động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Nhìn về mặt tích cực, giá dầu tăng sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước. Hoạt động sản xuất nhóm ngành dầu khí trong nước được thúc đẩy, đặc biệt là các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí. Doanh thu nhóm ngành này khả quan sẽ kéo khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước tăng theo. Đây cũng là động lực tăng cường bổ sung nguồn cung nội địa.
Thu Ngân sách nhà nước từ dầu thô theo tháng |
Tuy nhiên, chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí sản xuất toàn nền kinh tế nước ta. Giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu người dân. Thông thường, giá xăng dầu tăng 10% có thể làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), tháng 9, chỉ số CPI tiếp tục tăng 3,66% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,08% so với tháng 8. Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,21% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm. Điều này là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho giá xăng tăng 3,54% so với tháng trước; giá dầu diesel tăng 5,96%.
Chi phí sản xuất và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm xăng, dầu là đầu vào trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng chi phí vận tải, chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Theo Bộ Tài chính ước tính tác động trực tiếp, gián tiếp từ bảng I/O 2007, nếu giá xăng, dầu tăng 30% sẽ làm GDP giảm 0,4%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6% đặt ra trong năm nay.
Giá dầu biến động không chỉ tác động đến kinh tế toàn cầu mà còn đến an ninh năng lượng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ nay tới cuối năm, giá mặt hàng này sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, việc dự báo xu hướng giá cần được ưu tiên cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, hoạt động đánh giá cuối năm không chỉ cần tập trung vào nguồn cung, mà quan trọng hơn là tình hình kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn ảnh hưởng tới tiêu thụ dầu trong thời gian tới. Từ đó, Nhà nước sẽ có cơ sở trong việc cân đối việc trích lập quỹ, sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí nhằm bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát và đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Hồng Hạnh - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|