Tại sao xe tăng Challenger-2 dễ dàng bị bắn cháy trên chiến trường Ukraine?

(Banker.vn) Xe tăng Challenger-2 đầu tiên của Quân đội Ukraine do Anh viện trợ đã được ghi nhận bị bắn hạ trên chiến trường Ukraine, vùng Zaporozhye.
Xe tăng phương Tây sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine như thế nào? Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 8/8/2023: Nhận diện xe tăng tham gia trận chiến “1 vs 8” tại chiến trường Ukraine

Dù Quân đội Ukraine đã cố gắng giữ “thánh khí” này an toàn từ đầu cuộc phản công, nhưng kịch bản xe tăng Challenger-2 bị hạ trên chiến trường Ukraine đã được giới chuyên gia dự báo từ trước.

Đối đầu với Quân đội Nga có đầy đủ các loại vũ khí chống tăng hiệu quả bậc nhất thế giới, không có phương tiện bọc thép hạng nặng nào trên thế giới là an toàn.

Được xưng tụng là bất bại trên chiến trường

Challenger-2 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba của Anh, được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments) thiết kế và chế tạo. Challenger 2 phục vụ trong quân đội Anh từ năm 1998.

Tại sao xe tăng Challenger-2 dễ dàng bị bắn cháy trên chiến trường Ukraine?
Xe tăng Challenger-2 của Ukraine bị bắn hạ gần làng Robotine. Ảnh: Topwar

Cùng với hỏa lực pháo chính 120mm chuẩn NATO và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, danh tiếng của Challenger-2 chính là việc nó đã tham gia nhiều trận chiến lớn của liên quân tại Trung Đông, đặc biệt là trong chiến tranh Vùng Vịnh.

Bên cạnh khả năng chiến đấu mạnh mẽ, để có được khả năng sống sót cao là hệ thống giáp phức hợp đặc biệt Chobham thế hệ thứ 2 với tên gọi Dorchester. Lớp giáp phức hợp này được cấu tạo từ các lớp thép, gốm chịu nhiệt và các lớp hợp kim ghép lại với nhau. Giáp Chobham có khả năng vô hiệu hóa các loại đạn lõm, tên lửa chống tăng bằng kết cấu “tổ ong” làm luồng xuyên bị mất năng lượng và bị triệt tiêu.

Hệ thống giáp này cũng có khả năng chống lại đạn thanh xuyên dưới cỡ nhờ tính vô định hình của gốm và sự phân kỳ giữa các lớp vật liệu trong kết cấu giáp Chobham khiến thanh xuyên bị gãy mất khả năng xuyên phá động năng.

Tại chiến trường Iraq, xe tăng Challenger-2 đã chứng tỏ được sự chắc chắn của lớp giáp Chobham/Dorchester, khi toàn bộ các loại tên lửa vác vai hoặc vũ khí chống tăng quân đội Iraq sở hữu không thể xuyên phá và bắn hỏng được bất kỳ chiếc Challenger-2 nào.

Thậm chí trong một trận đánh, một chiếc Challenger-2 đã bị trúng 14 phát đạn RPG-7 và 1 tên lửa chống tăng MILAN ở tầm gần, nhưng toàn bộ kíp lái đều sống sót và xe chỉ bị hư hỏng nhẹ để được sửa chữa ngay trên chiến trường.

Chính vì khả năng sống sót và hiệu quả chiến đấu mạnh mẽ trên chiến trường, Challenger-2 hiện tại vẫn chưa nếm mùi chiến bại.

Kịch bản được dự báo trước

Trong lịch sử tham chiến, xe tăng Challenger-2 thực tế chỉ phải đối phó với đối thủ yếu hơn và thậm chí là không có xe tăng. Ngoài ra, khi tác chiến trong NATO, các đơn vị xe tăng Anh đều hoạt động trong đội hình lớn có đủ sự hỗ trợ của hải-lục-không quân để tối ưu hóa khả năng chiến đấu và hạn chế rủi ro.

Thế nhưng, tại Ukraine, xe tăng Challenger-2 đã phải đương đầu với các phương tiện chiến đấu hiện đại của Nga, cũng như hàng loạt vũ khí chống tăng mạnh mẽ mà dòng xe tăng Anh từng bị hạ gục trong quá khứ.

Tháng 6/2006, một chiếc Challenger-2 với đầy đủ trang bị đã bị xuyên thủng bởi đạn chống tăng vác vai RPG-29 do các tay súng Iraq sử dụng. Đạn chống tăng đã xuyên qua thân xe cắt cụt chân của lái xe và làm bị thương các thành viên kíp lái. Vì danh tiếng của Challenger-2, thông tin này đã bị Quân đội Anh giấu kín và bị phát hiện vào tháng 8/2006 từ clip do lực lượng Iraq ghi lại.

Thực tế, do hạn chế về trọng lượng, xe tăng Challenger-2 không được trang bị giáp phức hợp đồng nhất toàn bộ phương tiện, mà chỉ ưu tiên tháp pháo và một số vị trí nhạy cảm. Chính vì thế, nó có rất nhiều điểm yếu để bị khai thác hoặc bị bắn hạ.

RPG-29 là mẫu súng phóng lựu chống tăng mạnh mẽ, nhưng chưa phải mạnh mẽ nhất với khả năng xuyên 750mm giáp thép đồng nhất sau giáp phản ứng nổ. Trong tay Quân đội Nga còn nhiều loại vũ khí chống tăng mạnh mẽ khác có khả năng xuyên tới hàng mét giáp thép đồng nhất. Có thể lấy ví dụ như: RPG-31, tên lửa chống tăng Mertis-M, Kornet, Vikhr hay Shturm…

Ngoài ra, do Ukraine không thể kiểm soát bầu trời, xe tăng Challenger-2 nếu tham chiến còn phải đối đầu với nguy cơ bị tấn công từ trên không của pháo binh, máy bay cường kích và trực thăng tấn công của Nga. Đây có thể những yếu tố chôn vùi danh tiếng bất bại của xe tăng Anh.

Cùng với đó, xe tăng Challenger-2 cũng là một thiết bị chiến đấu phức tạp, kíp lái cần nhiều thời gian đào tạo và khó phù hợp với điều kiện hậu cần hiện tại của Quân đội Ukraine.

Thực tế chiến trường đã chứng minh xe tăng Challenger-2 đã bị hạ ngay lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường và đánh dấu thêm một loại vũ khí phương Tây từng được quảng cáo hiện đại và bất bại đã đánh mất danh tiếng trên chiến trường Ukraine khốc liệt.

Kim Ngân (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương