Quảng Ninh: Cảnh báo hành vi mạo danh nhân viên bệnh viện gọi điện tư vấn bán thuốc Truy tìm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bệnh viện Việt Đức |
Nhiều người ở quê ra Hà Nội khóc mếu vì tất cả tiền mang đi chữa bệnh đã bị đạo chích cuỗm sạch. Tình trạng móc túi, trộm cắp, giả danh bác sĩ, nhân viên y tế lừa đảo người bệnh khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn khổ.
Người bệnh bị trộm cắp, đã khổ càng khổ
Đến Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Bạch Mai vào giờ sáng, chúng tôi chứng kiến cảnh bệnh nhân chờ khám rất đông. Tại khu vực chờ đóng tiền, lấy thuốc, người bệnh, người nhà bệnh nhân xếp hàng dài dằng dặc. Đeo chiếc túi đằng trước, nhưng chị Nguyễn Thị Lan (Ninh Bình) thường xuyên phải kiểm tra. Chị cho biết đã từng bị móc túi hết sạch tiền khi chen lấn xếp hàng khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai, nên lần này chị phải hết sức cảnh giác.
Khu vực chờ lấy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai luôn đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị trộm cắp. |
Theo Công an phường Phương Mai, trung bình một ngày Bệnh viện Bạch Mai có từ 10.000-12.000 người tới khám, chữa bệnh và có khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, cộng với người nhà, người thân đi theo, chăm sóc rất lớn, vì vậy tập trung rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT như cò mồi (cò thuốc, cò nhà nghỉ, ăn uống, trông giữ xe ôtô), trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính vì sự phức tạp đó nên khu vực này luôn là điểm nóng về ANTT, trật tự đô thị và là nơi để tội phạm lợi dụng để hoạt động. Đối tượng phạm tội trà trộn vào khu vực đông người như khu khám bệnh, chờ xếp hàng làm thủ tục chụp chiếu, thanh toán viện phí, mua thuốc để trộm cắp.
Đặc biệt, trộm cắp còn “hoành hành” ở khu vực thang máy, lợi dụng sự chen lấn ở đây, “đạo chích” đã sử dụng chiêu bài “hai ngón” để móc trộm tiền, điện thoại của người bệnh, người nhà bệnh nhân. PGS.TS Đào Hùng Hạnh, Trưởng Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có thời điểm ngày nào cũng có người báo bị mất trộm. Có ngày vài trường hợp bị móc túi. Có trường hợp vào Khoa khóc nói rằng, họ chuẩn bị số tiền 30 triệu để ra Bạch Mai khám bệnh, nhưng đi thang máy đông, chen lấn và số tiền này đã “không cánh mà bay”. Đau xót nhất là người bệnh nghèo, có khi họ vét những đồng tiền cuối cùng mang đi viện, nhưng gặp phải đạo chích đã mất sạch tiền trong tích tắc.
“Bệnh viện và các khoa, phòng đều quyết liệt trong vấn đề chống trộm cắp, cố gắng mỗi cán bộ nhân viên, điều dưỡng khi tiếp đón người bệnh bao giờ cũng nhắc cẩn thận bị móc túi nhưng vẫn có người bị trộm. Bệnh viện phối hợp với Công an phường Phương Mai tăng cường kiểm tra, dán pano tại nhiều khu vực, trang bị camera ở nơi tiếp đón, mua thuốc, thang máy, hiện tượng mất trộm giảm đi rõ rệt. Người bệnh, người nhà bệnh nhân nâng cao ý thức cảnh giác thì trộm cắp sẽ giảm”, BS Hạnh cho biết.
Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Công an phường Phương Mai cho biết, nguyên nhân số vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai là do lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đông, người nhà không có địa điểm nghỉ ngơi nên buổi đêm thường ngủ, nghỉ tại các khu vực hành lang, cầu thang, khu ghế chờ đối diện Trung tâm cấp cứu A9 và bị các đối tượng sơ hở lợi dụng lấy trộm tài sản cá nhân. Có đối tượng là người nhà đến chăm bệnh nhân hoặc đối tượng chuyên nghiệp, nhiều tiền án, tiền sự. Ngoài ra, còn có tình trạng nhân viên công ty vệ sinh lấy trộm điện thoại của bác sĩ. Vụ việc xảy ra vào ngày 3/8 vừa qua, lợi dụng sơ hở tại khu vực thay đồ nữ Khoa Gây mê hồi sức, nữ nhân viên vệ sinh đã lấy trộm điện thoại của bác sĩ. Đối tượng này đã có tiền án, tiền sự vẫn đang trong quá trình thử thách.
Đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao ý thức cảnh giác
Không chỉ Bạch Mai, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng trộm cắp, “cò mồi” khi lượng người bệnh, người nhà người bệnh đến khám, chữa bệnh rất đông. Khu vực khám bệnh và chờ thanh toán của Bệnh viện K luôn trong tình trạng quá tải. Lợi dụng vào điều này, nhiều đối tượng trộm cắp đã trà trộn vào móc túi của người bệnh. “Bệnh viện vẫn chưa áp dụng thanh toán bằng chuyển khoản, người bệnh vẫn phải xếp hàng dài chờ đợi rất mất thời gian, đông đúc, rất dễ sơ hở để đối tượng trộm cắp móc túi”, chị Hà Thị Hồng (Hà Nội) điều trị tại Bệnh viện K cho biết. Thậm chí, ở đây còn xuất hiện đối tượng lừa đảo “cò” mổ sớm và đã bị Công an huyện Thanh Trì bắt giữ. Liều lĩnh hơn, đối tượng trộm cắp còn giả là người đi thăm người ốm, vào tận phòng bệnh, thấy bệnh nhân ngủ hay sơ hở là trộm cắp điện thoại, ví tiền…
Nạn trộm cắp không chỉ diễn ra ở các bệnh viện tuyến Trung ương mà bệnh viện của Hà Nội cũng xảy ra tình trạng này. Trước đây, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn luôn trong cảnh đông nghẹt người bệnh chờ lấy số khám, làm thủ tục, nộp tiền… Khu vực này thường xảy ra tình trạng bệnh nhân kêu mất ví tiền, điện thoại do bị móc trộm khi chen lấn ở đây. Mới đây, bệnh viện đã triển khai tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, giúp xoá bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thay vì mang theo tiền mặt khi đi viện, người đi khám bệnh chỉ cần đem theo điện thoại có kết nối interet là có thể thanh toán các dịch vụ y tế. Chính vì tiện lợi này nên tình trạng trộm cắp, móc túi đã giảm hơn trước.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, trên địa bàn phường Phương Mai có 6 bệnh viện tuyến Trung ương gồm: Bạch Mai, Việt – Pháp, Tai Mũi Họng, Da liễu, Lão khoa và Bệnh Nhiệt đới nên phức tạp về ANTT. Để dẹp nạn trộm cắp, lừa đảo từng gây nhức nhối ở bệnh viện, Công an phường phối hợp với bảo vệ của các bệnh viện tổ chức quét vét, xử lý hàng trăm đối tượng cò mồi, đưa hàng chục đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc, đây là những đối tượng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ việc phạm pháp hình sự trong bệnh viện. “Chúng tôi còn phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa theo dõi các đối tượng “cò” dẫn người bệnh mua thuốc tại các hiệu thuốc trên phố Giải Phóng, Phương Mai. Sau khi xác định được các hiệu thuốc này, Công an đã xử lý triệt để tình trạng cò mồi”, Thiếu tá Hùng cho biết.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an phường Phương Mai đã phối hợp với bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai bắt giữ, xử lý 9 vụ với 9 đối tượng trộm cắp, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Đặc biệt, phát hiện 2 vụ 2 đối tượng nghiện ma tuý vào bệnh viện với mục đích thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng đã bị phát hiện, kiểm tra hành chính trong người đối tượng có ma tuý. Ngoài ra, một số vụ trộm tài sản, tài sản trộm cắp định giá chưa đủ để truy tố, nhưng thu giữ trong người đối tượng có ma tuý, Công an phường đã báo cáo Công an quận Đống Đa xử lý về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng kiến nghị, bệnh viện cần bố trí nhân lực phù hợp, hạn chế tình trạng người dân xếp hàng đông tại các điểm khám chữa bệnh, mua thuốc. Hướng dẫn, cảnh báo người dân bằng các hình thức dán pano cảnh báo, loa phát thanh về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp tài sản khi người dân di chuyển bằng thang máy, khu vực đăng ký khám, nhà thuốc và các nơi tập trung đông người để nhân dân cảnh giác. Trang bị, lắp đầy đủ số lượng camera đảm bảo chất lượng tại khu vực dễ phát sinh tội phạm, kịp thời phát hiện đối tượng lợi dụng tình trạng đông, chen lấn trộm cắp tài sản. Đặc biệt, người dân khi đi khám chữa bệnh phải hết sức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản cá nhân.
cand.com.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|