Tài chính vi mô - Công cụ hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện

(Banker.vn) Ngày 17/5/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện - Thực trạng và giải pháp”. Tọa đàm do Tiến sĩ Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì. Tham dự Tọa đàm, có khoảng 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, tổ chức tài chính vi mô, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp…
Ngày 17/5/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện - Thực trạng và giải pháp”. Tọa đàm do Tiến sĩ Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì. Tham dự Tọa đàm, có khoảng 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, tổ chức tài chính vi mô, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp…

Tài chính vi mô đã có những bước phát triển đáng ghi nhận

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Thực tiễn tại nhiều quốc gia đã minh chứng đóng góp của tài chính vi mô cho xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô phát triển, tăng số lượng các tổ chức tài chính vi mô để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khách hàng, hỗ trợ việc triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện”. 

 


Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 cũng đặt ra mục tiêu: “Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.

Để thực hiện mục tiêu này, Chiến lược đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển loại hình này, gồm: (i) Khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động của các ngân hàng thương mại với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô; (ii) Khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính; (iii) Hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; (iv) Tăng cường xã hội hóa việc hỗ trợ, tham gia đóng góp nguồn lực tài chính trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên, khu vực tài chính vi mô đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hiện tại, có 4 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô đã được NHNN cấp giấy phép đăng ký; số lượng khách hàng của 4 tổ chức tài chính vi mô đạt 500.000 khách hàng; tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của 4 tổ chức này đạt lần lượt là 10.380 tỉ đồng, 1.060 tỉ đồng và 2.444 tỉ đồng. “Mặc dù vậy, quy mô hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô còn khá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và đang gặp một số khó khăn”, Phó Thống đốc đánh giá.
 
Tài chính vi mô là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện

Tham luận tại Tọa đàm, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN cho biết, tài chính vi mô là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện. Tài chính vi mô giúp mở rộng khả năng tiếp cận của các tổ chức tài chính chính thức; hướng trọng tâm tới các đối tượng của tài chính toàn diện; phục vụ phân khúc còn trống giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng (TCTD); giáo dục tài chính, nâng cao kiến thức, kỹ năng tài chính cho đối tượng của tài chính toàn diện; giải quyết các vấn đề xã hội: bình đẳng giới, nâng cao vị trí trong xã hội.

Theo đại diện của Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN, ở Việt Nam, tài chính vi mô được xác định là một trụ cột để thúc đẩy tài chính toàn diện. Mạng lưới hoạt động tài chính vi mô (với sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức) gần dân, phục vụ tốt, nhanh chóng nhu cầu của những người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế, phụ nữ, người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ góp phần gia tăng tỉ lệ người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Nhờ gắn kết và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô luôn được thiết kế phù hợp với đặc thù của nhóm khách hàng tài chính vi mô (dễ tiếp cận, thủ tục đơn giản, cung cấp ngay tại cộng đồng, món vay nhỏ nên dễ hoàn trả) giúp tài chính vi mô duy trì được một mạng lưới khách hàng trung thành và tiếp tục thu hút được ngày càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ. Đồng thời, tài chính vi mô luôn làm tốt, có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục, chia sẻ những kiến thức tài chính và kỹ năng sử dụng tiền hiệu quả nhất cho các thành viên/khách hàng.

 


Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN trình bày tham luận tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Theo Báo cáo Reimagining Viet Nam's Microfinance Sector: Recommendations for Institutional and Legal Reforms của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2021, so sánh giữa các quốc gia về cho vay tài chính vi mô trên cơ sở đánh giá tổng dân số, tỉ lệ đói nghèo, GDP/đầu người trong năm 2019 cho thấy, các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 12% số hộ nghèo, trong khi tỉ lệ này ở Philippines là 100%, ở Cambodia là 37%.  

“Như vậy, có thể thấy, tài chính vi mô ở Việt Nam còn hạn chế, mới đáp ứng được tỉ lệ rất nhỏ nhu cầu của các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ”, ông Nam chia sẻ.

 


Ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm

 
Để đảm bảo mục tiêu tài chính toàn diện theo Chiến lược và Kế hoạch hành động tài chính toàn diện quốc gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và sinh kế cho người dân, ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu kiến nghị: Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản liên quan đến tài chính vi mô để điều chỉnh theo hướng thống nhất các quy định tại các văn bản hướng dẫn khác nhau; nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của các nước để sửa đổi các quy định liên quan đến cấp phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, tạo điều kiện phát triển chương trình, dự án tài chính vi mô theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế; mở rộng phạm vi hoạt động để tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho các cá nhân, hộ dân có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ; đa dạng hóa sản phẩm vi mô nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các khách hàng…

Ông Niranjan Sheelavant - Chuyên gia độc lập về tài chính toàn diện đưa ra kinh nghiệm từ Ấn Độ: Các tổ chức tài chính vi mô đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng các dịch vụ tài chính cho những nhóm dân cư chưa tiếp cận được các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Các ngân hàng hợp tác với các tổ chức tài chính vi mô và các doanh nghiệp đại lý để tiếp cận các doanh nghiệp vi mô, các hộ nông dân nhỏ và hộ gia đình có thu nhập thấp, những người không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thức. Các ngân hàng cung cấp vốn tín dụng cho các tổ chức tài chính vi mô, cho phép các tổ chức tài chính vi mô mở rộng hoạt động cho vay và tăng cường tiếp cận khách hàng.
 
Một số kiến nghị và giải pháp cho tài chính vi mô phát triển

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã tập trung thảo luận, đánh giá: (i) Thực tiễn hoạt động của một số tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô cũng như thực trạng tiếp cận tài chính của các khách hàng tài chính vi mô; đồng thời, rà soát, phân tích hành lang pháp lý. (ii) Kinh nghiệm quốc tế. (iii) Đề xuất các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định hiện hành nhằm phát triển hoạt động này trong thời gian tới.

 


Toàn cảnh Tọa đàm

Để tài chính vi mô phát huy vai trò là một trụ cột thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, tại Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, trong đó cần tập trung: Thống nhất quy định về khách hàng tài chính vi mô phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024; sửa đổi quy định về thành viên góp vốn theo hướng không bắt buộc phải có một tổ chức chính trị, chính trị xã hội góp vốn...; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động của tài chính vi mô, nhất là các chương trình, dự án khá đa dạng tại các tỉnh, thành phố hiện nay, trước hết là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá của cơ quan địa phương các cấp, các bộ, ngành có liên quan: NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác.

Thứ hai, không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô như: Tăng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư trong nước và trái phiếu huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đầu tư ứng dụng công nghệ vào các quy trình hoạt động để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng thương mại, các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ (như eKYC, SMS banking, Homebanking, Mobilebanking…) để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động giáo dục, truyền thông về hiểu biết tài chính cho khách hàng và người dân để giúp họ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, góp phần cải thiện thu nhập, hướng tới mục tiêu tài chính bền vững.

Thứ tư, tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động của các ngân hàng thương mại với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô thông qua hình thức cung cấp vốn tín dụng.

Đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia trong và nước ngoài tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đây là cơ hội để cơ quan quản lý lắng nghe những ý kiến trao đổi, đề xuất chính sách từ phía các chuyên gia, các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát triển hoạt động này trong thời gian tới. Phó Thống đốc đánh giá, mô hình tài chính vi mô là một định chế rất thiết thực, ý nghĩa và cần thiết. Tuy nhiên, việc mở rộng loại hình này như thế nào thì các nhà quản lý cần cân nhắc, bàn luận nhiều hơn. Đồng thời, cần nhìn nhận những khó khăn, bất cập về pháp lý, phương thức tổ chức, cách thức vận hành hoạt động của loại hình này cũng như các điều kiện để mở rộng mô hình. Bên cạnh đó là trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế để huy động được nguồn lực cho tài chính vi mô.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải quan tâm quản lý nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, vận hành đúng mục đích, đúng đối tượng. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý tài chính tốt để tránh những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt, Phó Thống đốc lưu ý cần tăng cường truyền thông, giáo dục về tài chính cho khách hàng và người dân để giúp họ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, góp phần cải thiện thu nhập, hướng tới mục tiêu tài chính bền vững; những người làm về tài chính vi mô cần có hiểu biết về lĩnh vực tài chính. Các tổ chức tài chính vi mô cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển và đa dạng hóa sản phẩm; đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh, không vượt quá khuôn khổ tổ chức tài chính vi mô.   
 
Đức Thuận
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục