Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn - Góc nhìn cho các chủ thể tham gia tại Việt Nam

(Banker.vn) Kinh tế tuần hoàn đang được triển khai trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam. Một nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp tiết kiệm năng lượng và ngăn chặn rác thải; đồng thời, tạo ra các cơ hội kinh tế mới.


Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo
 
Kinh tế tuần hoàn đang được triển khai trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam. Một nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp tiết kiệm năng lượng và ngăn chặn rác thải; đồng thời, tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Mặc dù đã có những giải pháp thử nghiệm đầu tiên; tuy nhiên, tiếp cận tài chính hiện nay đang là một trở ngại chính cần phải giải quyết.

Trường Tài chính và Quản lí Frankfurt đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện nghiên cứu và lập báo cáo về Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn. Báo cáo đã nêu ra một số hướng dẫn về hợp tác phát triển nhằm góp phần khắc phục sự thiếu hụt về nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Nhằm phổ biến các kết luận và khuyến nghị của báo cáo và tiếp thu ý kiến của các bên liên quan tại Việt Nam về chủ đề Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn, ngày 28/3/2023, tại Hà Nội, Dự án hướng tới sự tuần hoàn của GIZ (Go Circular Vietnam) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo: “Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn - Góc nhìn cho các chủ thể tham gia tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM; bà Mira Nagy, Trưởng hợp phần, Dự án hướng tới sự tuần hoàn của GIZ; bà Carola Menzel-Hausherr, Quản lý Dự án cao cấp, Trung tâm Senior Project Manager, Frankfurt School - Trung tâm hợp tác với Chương trình môi trường của Liên hợp quốc về Khí hậu và Tài chính cho Năng lượng bền vững của Trường Frankfurt; cùng với các khách mời đến từ các bộ, ngành; các chuyên gia kinh tế cao cấp, giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu và thực tiễn của Việt Nam và các chuyên gia đến từ Trường Tài chính và Quản lý Frankfurt; cùng chia sẻ những góc nhìn về các công cụ tài chính và cách thức huy động các nguồn tài chính để thúc đẩy việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với  nguồn cung tài nguyên (bao gồm cả đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước. Những thách thức đó đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng… Theo đó, tiếp cận và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trở thành một hướng đi quan trọng, phù hợp với xu hướng chuyển đổi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngay từ năm 2020, CIEM đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, CIEM đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những quan trọng nỗ lực đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định đã giao nhiệm vụ cho một loạt các cơ quan liên quan đến hoàn thiện khung pháp lí, bảo đảm tiếp cận tài chính, phát triển nguồn lực… cho kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ, giải pháp vừa có tính cụ thể, vừa đảm bảo gắn với lộ trình “dài hơi” để bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán. Liên quan đến tài chính cho kinh tế tuần hoàn, các nhiệm vụ liên quan lại càng quan trọng bảo để đảm huy động nguồn vốn đủ quy mô, ổn định, liên tục, có tính bao trùm cho kinh tế tuần hoàn và để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Triển khai Quyết định số 687/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao CIEM chủ trì nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu xây dựng Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Dự thảo Nghị định đề xuất 07 nhóm chính sách quan trọng, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách và phương thức huy động nguồn lực cho các dự án đầu tư gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn. Chú trọng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác FTA, các đối tác đầu tư chủ chốt; tiếp cận tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh cho phát triển kinh tế tuần hoàn; đề xuất khả năng và mức độ phù hợp trong tiếp cận tài chính số phục vụ các dự án kinh tế tuần hoàn.

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, bà Carola Menzel-Hausherr, Quản lý Dự án cao cấp, Trung tâm Senior Project Manager, Frankfurt School - Trung tâm hợp tác với Chương trình môi trường của Liên hợp quốc về Khí hậu và Tài chính cho Năng lượng bền vững của Trường Frankfurt cho biết, một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nằm ở việc cung ứng và tiếp cận tài chính. Đối với những chủ thể tham gia hợp tác phát triển nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại và với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, việc hiểu rõ được các rào cản trong quá trình tiếp cận tài chính cho các hoạt động tuần hoàn và các mô hình kinh doanh liên quan là vô cùng quan trọng và cần được thúc đẩy. Những rào cản này bao gồm các công cụ và cơ chế tài chính và cả những khía cạnh về kĩ thuật, pháp lí cần được giải quyết để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từ góc độ tài chính. Đồng thời, các rào cản đối với việc cung cấp tài chính có thể là những điểm bắt đầu đầy hứa hẹn cho hợp tác phát triển trong tương lai để có thể mở rộng quy mô kinh tế tuần hoàn.

Để ứng phó kịp thời đối với những khủng hoảng hiện nay như chiến tranh, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, rối loạn chuỗi cung ứng, kinh tế tuần hoàn và tài chính tuần hoàn có thể góp phần chuyển đổi công bằng, xanh và hòa bình, nâng cao hiệu quả năng lượng và năng lực tự chủ tài nguyên nội hóa các chi phí ngoại ứng, từ đó thực sự tính đúng giá trị của tài nguyên thiên nhiên.

Ý kiến của bà Susanne Volz, chuyên gia kinh tế tuần hoàn và tài chính bền vững của Công ty tư vấn Ecocircleconcept cho rằng, việc thúc đẩy đầu tư vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn luôn luôn yêu cầu một tổ hợp các công cụ kết hợp, đặc biệt trong quá trình tham gia và thúc đẩy ngành tài chính. Dựa vào các chính sách và khung pháp lí thích ứng, tác động thúc đẩy một cách hiệu quả từ ngành tài chính lên kinh tế tuần hoàn sẽ không chỉ cần khâu thiết kế và khâu vận chuyển dịch vụ tài chính phải tương ứng với lợi nhuận đầu tư kinh tế. Quan trọng hơn cả, lợi nhuận đầu tư kinh tế tuần hoàn còn là lợi nhuận về mặt môi trường, xã hội và cuối cùng là lợi nhuận ròng phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để đi từ phương thức cho vay dựa trên dòng tiền đơn thuần sang một phương thức đầu tư tài chính tương thích với mô hình kinh doanh tuần hoàn hơn, chẳng hạn như chi phí vòng đời sản phẩm.

Tại Hội thảo, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng bộ tiêu chí môi trường để xác định dự án đầu tư thuộc danh mục đầu tư xanh theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dự thảo không quy định tiêu chí phân loại tài chính xanh. Bên cạnh đó, để có đầy đủ căn cứ về pháp lí và kĩ thuật trong việc xác định các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí môi trường để dự án đầu tư xanh được xem xét, quyết định cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo và đang trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác  nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Theo đó, tiêu chí môi trường để cơ quan có thẩm quyền xác định dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh sẽ bao gồm các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu, yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác, cụ thể: (i) Các tiêu chí sàng lọc được xây dựng dựa trên các điều kiện cần và đủ để xác nhận dự án hoặc hạng mục của dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; (ii) Ngưỡng và chỉ tiêu tương ứng với chỉ tiêu sàng lọc được xây dựng trên các quy định hiện hành cập nhật nhất của Việt Nam và đảm bảo đơn giản, khả thi để khuyến khích nhà đầu tư áp dụng được ngay; (iii) Yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác bao gồm: Phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật môi trường địa phương; tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, dự án đầu tư/chủ đầu tư dự án luôn được bình đẳng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, ngành Ngân hàng luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tín dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư/phương án kinh doanh thân thiện/có lợi với môi trường, đặc biệt là các dự án xanh. Theo đó, các cơ chế thương mại thông thường và thụ hưởng ưu đãi do TCTD tự xây dựng thì các tiêu chí sẽ do ngân hàng thương mại quy định.

Khi có chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước, trường hợp một dự án đầu tư muốn tiếp cận được ưu đãi về tín dụng xanh sau khi được ngân hàng thương mại quyết định cấp tín dụng thì chỉ cần phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là dự án đầu tư thuộc Danh mục xanh theo quy định của pháp luật. Hiện nay, dự thảo Quyết định ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang được xây dựng theo hướng này.

Về những biện pháp can thiệp khác mà Chính phủ Việt Nam hiện đang thực hiện nhằm thúc đẩy việc tiếp cận tài chính cho các dự án xanh, ông Trần Anh Quý thông tin, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; kí thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; cam kết thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP26. Để đạt được các mục tiêu cam kết nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành Khung chính sách tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, việc huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh được thực hiện toàn diện thông qua các giải pháp:

- Hoàn thiện chính sách, công cụ về huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, tập trung vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án về tăng trưởng xanh.

- Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ tín dụng qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tại khoản 1 Điều 151 Luật Bảo vệ môi trường, quy định Quỹ Bảo vệ môi trường cung cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, nhận kí quỹ, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tăng cường huy động nguồn lực tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển chính thức, hỗ trợ kĩ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho tăng trưởng xanh.

- Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước trong các dự án xanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đại diện cho TCTD tại Việt Nam tiên phong trong việc ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng để tài trợ cho các dự án tín dụng xanh cho biết, những ngành mà BIDV đã triển khai tín dụng xanh hiện nay như các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, tái chế, tài sử dụng tài nguyên, xử lí chất thải, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, quản lí nước hoặc những dự án liên quan đến vấn đề về giao thông, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, BIDV tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, chiếm 85% tổng dư nợ tín dụng xanh của BIDV.
 

 
 
Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phượng cũng đưa ra ba khó khăn lớn nhất của BIDV trong triển khai tín dụng xanh.

Thứ nhất, vấn đề về chi phí và hiệu quả. Việc phát triển bền vững, triển khai đầu tư vào các dự án xanh sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong dài hạn. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi rất nhiều kinh phí đầu tư mà các TCTD phải phát sinh như kinh phí đào tạo nguồn lực, chi phí tăng thời gian thẩm định khoản vay, tăng phần chi phí đưa ra để giảm lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững; đối với doanh nghiệp: Phát sinh một số chi phí trong đầu tư công nghệ để tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, chi phí xử lí chất thải…; trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia phát triển, một số dự án tín dụng xanh trong những lĩnh vực mới thường sẽ có những rủi ro về chính sách quản lí, về công nghệ và môi trường.

Thứ hai, khó khăn liên quan đến kiến thức. Các TCTD hiện nay có hệ thống mạng lưới rộng lớn, nhân sự nhiều. Tuy nhiên, kiến thức về thẩm định rủi ro môi trường bao hàm rất nhiều kiến thức chuyên ngành. Do vậy, các TCTD phải mất nhiều thời gian xây dựng quy trình, điều chỉnh hành vi, đào tạo cho cán bộ hệ thống kiến thức về bảo vệ môi trường, xã hội, kiến thức về tài chính bền vững để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả việc hỗ trợ và triển khai các dự án tín dụng xanh.

Thứ ba, khó khăn về vấn đề nhận thức của các doanh nghiệp, khách hàng và ngân hàng. Các doanh nghiệp đâu đó vẫn chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ hậu quả sản xuất, kinh doanh làm ảnh hưởng đến môi trường. Khi phát sinh những vấn đề rủi ro về môi trường sẽ có tác động ngược lại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để triển khai tốt hoạt động về kinh tế tuần hoàn mà cụ thể là triển khai các hoạt động tín dụng xanh, tài chính xanh tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Phượng đưa ra 05 đề xuất cần hỗ trợ:

Một là, nguồn vốn luôn là nhu cầu đầu tiên, thiết thực đối với các TCTD cũng như các khách hàng, doanh nghiệp tham gia dự án tài chính xanh, tín dụng xanh, các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần có những chương trình, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi mà có thể thông qua các TCTD, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyến khích, tài trợ các dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Về phía Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách để định hướng TCTD, chính sách ứng xử tăng lãi suất, hạn chế cho vay đối với dự án không có lợi cho kinh tế tuần hoàn. BIDV sẵn sàng phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước trong việc giải ngân các nguồn vốn ưu đãi đối với các dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…

Hai là, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế, các tổ chức có kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế tuần hoàn, trong việc bảo vệ môi trường cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo kiến thức về thẩm định rủi ro môi trường - xã hội, khung tài chính bền vững, các sản phẩm tín dụng xanh dành cho các TCTD.

Ba là, cần hình thành một thị trường đặc thù để giao dịch các sản phẩm tái chế nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển, sàn giao dịch tín chỉ carbon, xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, tham gia xây dựng cơ chế kết nối các thị trường trong nước với quốc tế. Hiện tại, BIDV sẵn sàng nâng cao năng lực để tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Bốn là, vấn đề truyền thông đối với kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. Cần tích cực tuyên truyền cho các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời cần tuyên truyền để các thành phần tham gia vào kinh tế tuần hoàn có thể hiểu và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Năm là, cần có biện pháp liên quan đến quản lí hành chính. Đối với các địa phương, cần có sự chủ động rà soát các nhà máy, dự án nằm gần khu vực dân cư, cụm du lịch ven biển có kế hoạch di dời, hạn chế các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, cung cấp danh sách những doanh nghiệp không triển khai đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp có hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, góp phần giúp các TCTD có thể kiểm soát các hoạt động cho vay và triển khai trong thực tiễn các hoạt động tín dụng xanh.

Đại diện doanh nghiệp tiên phong trong bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu rác thải nhựa, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty cổ phần Vietcycle (Vietcycle Corp) chia sẻ, trước đây Vietcycle Corp có vay tín dụng nhiều và trong quá trình làm dự án không có chính sách, không có hỗ trợ, trong khi đó chất lượng rác thải nhựa cũng như sản lượng của nó trong những năm trước đây không đồng đều và bị chao đảo theo giá dầu. Vừa qua, Vietcycle Corp đã tham gia vào việc xây dựng chính sách để phát triển ngành công nghiệp tái chế. Khi chưa có chính sách rõ ràng phân loại tái chế xanh trong kinh tế xanh thì doanh nghiệp không thể vay được vốn giá rẻ. Mặc dù đã có một số tổ chức được các ngân  hàng nước ngoài hỗ trợ vay dự án tín dụng xanh nhưng khi đưa ra tiêu chí thế nào là xanh thì quá dài, quá khó và doanh nghiệp không đáp ứng được. Do vậy, doanh nghiệp có rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để ổn định thị trường sản xuất và để có được tín dụng ưu đãi, có sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính nói chung và tài chính xanh nói riêng thì cần phải có một cơ quan hỗ trợ về mặt kĩ thuật và kiến thức, cung cấp thông tin, chính sách cho doanh nghiệp trong việc xây dựng hồ sơ như thế nào để có thể đáp ứng vay được khoản tài chính mà họ mong muốn. Bên cạnh đó, nên có những khóa đào tạo nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp để họ có thể tự làm tất cả các thủ tục hành chính và đáp ứng điều kiện vay vốn của phía các tổ chức tài chính.

TS. Nguyễn Trâm Anh, quản lý kĩ thuật quốc gia, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO Vietnam - cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu, hỗ trợ một số khu công nghiệp chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, trong đó có hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để chuyển đổi. Theo đó, việc hỗ trợ tập trung vào 03 mảng chính: Chuyển đổi chính sách; kĩ thuật; tiếp cận tài chính.

Giai đoạn 2015 đến 2019, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh rất khó khăn. UNIDO Vietnam đã xây dựng hướng dẫn trong đó cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin đầy đủ, cụ thể các tổ chức có nguồn tài chính xanh, cũng như các phương thức để doanh nghiệp có thể tiếp cận, đáp ứng điều kiện cho vay vốn, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận những hồ sơ cho vay cụ thể.

Tuy nhiên, hiện nay, UNIDO Vietnam cung cấp một công cụ tài chính, ở đó các doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào trang web để có thể thu thập được thông tin của 64 tổ chức trong nước và quốc tế (đối tượng cho vay của các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn). Doanh nghiệp cũng có thể truy cập trang web để có thông tin cho vay về 16 lĩnh vực tài chính xanh như năng lượng, rác thải... để có thể rà soát được một số ngân hàng, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, UNIDO Vietnam còn cung cấp cho doanh nghiệp công cụ rà soát ban đầu. Mỗi doanh nghiệp trước khi vay đều có hồ sơ để ngân hàng rà soát,  doanh nghiệp có thể truy cập vào trang web để có thông tin về yêu cầu của từng ngân hàng. Các doanh nghiệp có thể vào web để tự đánh giá, trên cơ sở đó có bộ hồ sơ có sẵn để có thể tiếp cận được với các tổ chức cho vay.

Trên cơ sở những nội dung thảo luận, kiến nghị, đề xuất đến từ các đại biểu tại Hội thảo, CIEM và GIZ sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và tham mưu chính sách, giải pháp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới, đặc biệt phục vụ cho việc hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

 
Mai Mai
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục