Tác động từ cơ chế mua bán điện trực tiếp và đề xuất của Bộ Công Thương

(Banker.vn) Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về những tác động từ cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với nền kinh tế - xã hội.
Xây dựng cơ chế DPPA góp phần phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam Làm rõ hơn về 2 chính sách trong cơ chế mua bán điện trực tiếp

Xuất phát từ định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng bền vững, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế thới; nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn; thúc đẩy lộ trình thị trường mua bán điện cạnh tranh, công bằng tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Theo đó, nội dung tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng qua 2 chính sách: (1) mua bán điện qua đường dây truyền tải riêng (2) mua bán điện qua lưới điện quốc gia.

Mục tiêu tổng thể của chính sách nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.

Mục tiêu cụ thể nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ hóa thạch; giảm khí thải carbon và ô nhiễm môi trường bằng cách giảm sự sử dụng các nguồn năng lượng từ hóa thạch (than và dầu mỏ), đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng; tăng tính linh hoạt và hiệu suất của hệ thống điện: Khách hàng lớn có khả năng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện theo thời gian thực, trong khi đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể cung cấp điện một cách linh hoạt và ổn định; tối ưu hóa sự phân phối và sử dụng điện, giảm tổn thất và nâng cao hiệu suất của hệ thống điện; đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách cho phép khách hàng mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và tạo ra một nguồn cung điện đa dạng và ổn định, đảm bảo ổn định của hoạt động kinh doanh.

Để làm cơ sở cho Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đánh giá tác động của 2 chính sách với các phương án cụ thể.

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án gồm:

Phương án 1: Giữ nguyên chính sách hiện tại (Đơn vị phát điện có giấy phép bán lẻ điện mới được phép bán điện cho khách hàng sử dụng điện).

Phương án 2: Xây dựng quy định cho phép Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho Khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng.

Với phương án 1, dù không tác động đến hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính nhưng về kinh tế sẽ giới hạn cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện, hạn chế sự đa dạng hóa nguồn cung cấp, gây cản trở cho đầu tư mới với ngành điện; tác động với xã hội là giới hạn sự lựa chọn cho người tiêu dùng, hạn chế phát triển năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến việc tạo việc làm (các cơ hội mới). Đồng thời, phương án 1 cũng có tác động về môi trường như: Hạn chế phát triển năng lượng tái tạo; hạn chế sự đa dạng hóa nguồn cung cấp có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả môi trường khác.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2 vì có nhiều tác động tích cực. Cụ thể về kinh tế sẽ tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo; tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân; giảm chi phí vận hành trung gian, tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng điện.

Phương án 2 về mặt xã hội – môi trường, sẽ giúp khách hàng chủ động lựa chọn nguồn cung cấp điện; có quyền kiểm soát hơn về nguồn điện và các dịch vụ kèm theo. Khuyến khích sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng gây ô nhiễm.

Không có tác động, ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật; không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Tác động từ cơ chế mua bán điện trực tiếp và đề xuất của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đưa ra các phương án đánh giá tác động của cơ chế DPPA và đề xuất lựa chọn.

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 phương án trong đó:

Phương án 1: Đề xuất cho phép các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt … tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia với Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất, dịch vụ, thương mại.

Phương án 2: Đề xuất cho phép các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia với Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất đấu nối từ cấp 22kV trở lên và có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh (tính trung bình trong 03 tháng gần nhất) hoặc theo sản lượng đăng ký áp dụng đối với khách hàng mới.

Cụ thể với phương án 1, tác động kinh tế của chính sách gồm: (i) Khả năng ổn định của lưới điện: Sự tăng mạnh của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến khả năng ổn định của lưới điện quốc gia. Các nguồn năng lượng tái tạo thường có tính biến động cao và khó kiểm soát so với các nguồn năng lượng truyền thống. Điều này có thể yêu cầu đầu tư thêm vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để ổn định mạng lưới điện, và chi phí này có thể được chuyển sang khách hàng.

(ii) Tác động đến thị trường điện: Sự tham gia mạnh mẽ của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể tạo ra tác động đến thị trường điện, cụ thể: Nếu sản lượng điện từ các nguồn tái tạo vượt quá nhu cầu, giá điện có thể giảm, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà cung cấp năng lượng tái tạo và khó khăn trong việc thu hút đầu tư mới vào ngành.

(iii) Khả năng quản lý và điều chỉnh: Mở cửa ồ ạt cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia có thể đặt ra thách thức trong việc quản lý và điều chỉnh hệ thống.

Tác động xã hội của phương án 1 gồm (i) Tác động đến việc làm: Chính sách này có thể gây ra sự chuyển đổi dòng lao động từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, có thể gây ra giảm số lượng công việc trong ngành công nghiệp năng lượng truyền thống; (ii) Tác động đến cộng đồng địa phương: Việc bùng nổ triển khai các dự án năng lượng tái tạo có thể ảnh hưởng đến môi trường, đất đai, tạo ra tiếng ồn và ô nhiễm khí thải.

Tác động về môi trường của phương án 1: Việc xây dựng các công trình năng lượng tái tạo có thể ảnh hưởng đến các khu vực tự nhiên như vùng đất đai, các con sông và hệ sinh thái địa phương. Đơn vị phát điện sinh khối, thủy điện, thủy triều và địa nhiệt sử dụng các nguồn tài nguyên địa phương như rừng, nước, triều cường và nhiệt độ đất để tạo ra điện.

Tác động về giới, về thủ tục hành chính: Không bị ảnh hưởng; không phát sinh thêm thủ tục hành chính; tác động về hệ thống pháp luật: Không tác động.

Phương án 2, tác động kinh tế của chính sách gồm: (i) Giảm chi phí điện: Các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thường có chi phí sản xuất điện thấp hơn so với năng lượng từ nguồn hóa thạch. Việc tham gia mua bán điện trực tiếp giúp giảm chi phí điện cho các khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất, đồng thời cải thiện tính cạnh tranh và hiệu suất kinh doanh của họ; (ii) Tạo thu nhập và đầu tư: Chính sách này tạo cơ hội thu nhập phụ cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập; (iii) Rủi ro năng lượng: Đa dạng hóa nguồn cung cấp điện bằng việc tích hợp năng lượng tái tạo giúp giảm rủi ro liên quan đến biến động giá năng lượng và sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống. Điều này có thể giúp tăng sự ổn định và an toàn của nguồn cung cấp điện và giảm tác động tiêu cực từ các biến động giá năng lượng.

Tác động xã hội phương án 2: (i) Tạo công ăn việc làm: Phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có thể tạo ra công ăn việc làm trong các lĩnh vực liên quan như lắp đặt, vận hành và bảo trì các hệ thống năng lượng tái tạo. Điều này có thể đóng góp vào giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng địa phương; (ii) Giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính: Sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí so với năng lượng từ nguồn hóa thạch. Điều này có lợi cho sức khỏe con người, môi trường sống và giúp giảm tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.

Tác động về môi trường phương án 2: (i) Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: Sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió giúp bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Điều này có thể giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; (ii) Giảm khí thải carbon: Năng lượng tái tạo không tạo ra khí thải carbon, do đó giúp giảm tác động gây nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và giảm ô nhiễm môi trường; (iii) Đa dạng sinh học: Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sự ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bởi vì các hệ thống năng lượng tái tạo thường không gây tổn hại đến môi trường sống của các loài động, thực vật và sinh vật biển.

Tác động về giới, về thủ tục hành chính: Không bị ảnh hưởng; không phát sinh thêm thủ tục hành chính; không có tác động về hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh, Bộ Công Thương cho rằng 2 phương án của chính sách 2 đều mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát kỹ thuật của lưới điện Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, xét tới tính khả thi áp dụng trong thực tế ngay sau khi chính sách được ban hành, Bộ Công Thương cho rằng Phương án 1 mang lại sự đa dạng và linh hoạt trong cung cấp năng lượng tái tạo, nhưng đòi hỏi quản lý phức tạp và đầu tư hạ tầng mạnh mẽ chưa phù hợp với hiện trạng hệ thống điện Việt Nam.

Trong khi đó, phương án 2 đơn giản hóa quản lý và giám sát do phương án này tập trung chỉ vào hai nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời và điện gió, giảm bớt sự phức tạp trong việc quản lý và ít yêu cầu đầu tư hạ tầng so với phương án 1. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2.

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương