Tóm tắt: Vốn ODA là một hình thức đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, có tác động trực tiếp và gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Vốn ODA góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư tư nhân và vốn FDI, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu cơ cấu đầu tư ODA bất hợp lý, hiệu quả đầu tư kém sẽ hạn chế tăng trưởng, thậm chí tác động ngược chiều với tăng trưởng kinh tế. Bằng phương pháp thu thập số liệu được công bố, thống kê, phân tích, liên hệ, so sánh... để đánh giá về định tính, sử dụng phương pháp kinh tế lượng để đánh giá bằng định lượng, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 1993 - 2020 ở Việt Nam, đầu tư ODA có tác động ngược chiều với tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng rất nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.
Impact of ODA investment on economic growth in Vietnam in 1993-2020 period
Abstract: ODA investment is a form of foreign investment into Vietnam, which has direct and indirect impacts on economic growth. ODA contributes to increasing total social investment, creating a driving force to attract private investment and FDI capital, thereby promoting economic growth. However, if the structure of ODA investment is unreasonable, poor investment efficiency will limit growth, even negatively affect economic growth. By collecting published data, statistics, analysis, contact, comparison... to evaluate qualitatively as well as using econometric methods to evaluate quantitatively, this research results reveales that, in the 1993-2020 period in Vietnam, ODA investment has a negative impact on economic growth and has a very small effect on economic growth.
1. Tổng quan về tác động của đầu tư vốn ODA đến tăng trưởng kinh tế
Hỗ trợ phát triển chính thức (hay ODA, viết tắt của cụm từ Official Development Assistance), là một hình thức đầu tư nước ngoài, do Chính phủ các nước phát triển (song phương), các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB... (đa phương) tài trợ cho các nước nghèo và các nước đang phát triển, nhằm giúp các nước này thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo và cải thiện môi trường sinh thái thiên nhiên.
Vốn ODA bao gồm: viện trợ không hoàn lại; cho vay ưu đãi, kỳ hạn dài, lãi suất thấp hoặc không lãi suất. Vốn ODA được thực hiện thông qua các hình thức như: hỗ trợ ngân sách; tín dụng thương mại với các điều khoản “mềm”; viện trợ chương trình; hỗ trợ dự án, phi dự án...
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về thu nhập hoặc gia tăng về sản lượng được tính cho toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Sự gia tăng này được thể hiện ở quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng về số lượng, còn tốc độ tăng trưởng có ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kỳ so sánh.
Thước đo tăng trưởng kinh tế được xác định theo các chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia gồm có: tổng giá trị sản xuất (GO), tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng thu nhập quốc dân (GNI), thu nhập quốc dân (NI) và thu nhập bình quân đầu người. Tăng trưởng kinh tế trong bài viết này được tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vốn ODA được xem là một nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế cả hai phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế
- Những yếu tố ảnh hưởng đến tác động của ODA tới tăng trưởng kinh tế
+ Mức độ ổn định của thể chế chính trị và kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để nâng cao khả năng thu hút, hấp thu và hiệu quả sử dụng ODA của nước tiếp nhận vốn. Nhiều kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, ở các quốc gia có thể chế chính trị ổn định và cơ chế quản lý kinh tế tốt, viện trợ tương đương 1% GDP có thể dẫn đến mức tăng trưởng bền vững mức 0,5% GDP. Nếu thể chế chính trị và kinh tế - xã hội của quốc gia tiếp nhận viện trợ không ổn định thì việc quản lý và sử dụng vốn ODA sẽ gặp nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn ODA thấp, ít tác động tới tăng trưởng kinh tế.
+ Mức độ đồng bộ chính sách điều hành liên quan đến vốn ODA. Việc nắm bắt và thực hiện đúng các chủ trương của quốc gia viện trợ là vô cùng cần thiết đối với các quốc gia tiếp nhận. Đồng thời, ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, các quy trình, thủ tục liên quan đến vốn ODA là nhân tố hết sức quan trọng liên quan đến khả năng thu hút và sử dụng hiệu quả vốn ODA. Hệ thống pháp luật, chính sách phải rõ ràng, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế; Thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, linh hoạt sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân, rút vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.
+ Năng lực tài chính của nước tiếp nhận vốn ODA. Đối với các chương trình, dự án, để tiếp nhận 1 đồng vốn ODA thì các quốc gia tiếp nhận cần có ít nhất 0,15 đồng vốn đối ứng (khoảng 15%). Ngoài ra, cũng cần một lượng vốn đầu tư nhất định từ ngân sách cho công tác chuẩn bị các chương trình, dự án. Năng lực tài chính của đối tượng tiếp nhận có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng ODA. Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn các quốc gia tiếp nhận ODA cần có đủ năng lực tài chính tự có, đồng thời phải tăng cường và phát huy năng lực tài chính của mình.
+ Phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý đội ngũ cán bộ quản lý điều hành chương trình, dự án ODA của nước nhận tài trợ. Đối với các chương trình, dự án ODA có quy mô lớn và phạm vi địa bàn thực hiện rộng, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ quản lý điều hành chuyên sâu thì mới phát huy hiệu quả sử dụng vốn cao, hạn chế tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Nếu phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý yếu kém sẽ phát sinh tiêu cực và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ODA.
+ Năng lực nhà thầu thi công các công trình, dự án ODA. Năng lực các nhà thầu thi công phải đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của các dự án ODA, có nguồn nhân lực chất lượng cao, có phương thức quản lý, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo hoàn thành tốt việc thi công các công trình dự án ODA đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu, đồng thời thực hiện tốt các thủ tục giải ngân, thanh quyết toán vốn theo quy định. Năng lực nhà thầu thi công là nhân tố quan trọng, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sớm đưa các công trình vào sử dụng, từ đó góp phần thức đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Những tác động tích cực của vốn ODA, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
+ Vốn ODA là dòng vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư vào trong nước, bổ sung thêm vào nguồn vốn đầu tư xã hội như một phép cộng đương nhiên, nhằm đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân và bảo vệ, tái tạo môi trường sinh thái thiên nhiên.
+ Vốn ODA là nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, các công trình phúc lợi xã hội, có tác động lan tỏa, thu hút các nguồn vốn đầu tư khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư của khu vực tư nhân.... Việc sử dụng ODA có hiệu quả, có tác động tích cực đến phát triển năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ngành và địa phương. Ngoài ra, nguồn vốn ODA còn hỗ trợ các địa phương, đặc biệt các tỉnh còn nghèo, những công trình phục vụ trực tiếp đời sống của nhân dân như giao thông nông thôn, cấp điện và nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã và các bệnh viện tỉnh và huyện, các công trình thủy lợi, các chợ nông thôn...
+ Vốn ODA góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện khung thể chế, pháp lý, thông qua việc cung cấp chuyên gia quốc tế, những kinh nghiệm và tập quán tốt của quốc tế và khu vực trong lĩnh vực pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
+ Vốn ODA có vai trò tích cực hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực con người qua việc đào tạo và đào tạo lại hàng vạn cán bộ Việt Nam trong thời gian qua trên rất nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản lý kinh tế và xã hội, thông qua việc cung cấp học bổng nhà nước, cử chuyên gia nước ngoài để đào tạo tại chỗ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, cung cấp trang thiết bị nghiên cứu và triển khai... Nước nhận vốn ODA sẽ được tiếp nhận khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại tiên tiến từ các nước đã phát triển trên thế giới thông qua các chương trình, dự án ODA dưới hình thức hỗ trợ hợp tác kỹ thuật độc lập, hỗ trợ dự án đầu tư.
+ Vốn ODA bổ sung nguồn ngoại tệ góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Hầu hết các quốc gia đang phát triển đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đều có nhu cầu cao về ngoại tệ và nhập khẩu hàng hóa rất lớn, do đó các quốc gia này thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng ngoại tệ và thâm hụt nặng nề cán cân thanh toán. Vì vậy, nguồn vốn ODA là nguồn ngoại tệ bổ sung rất cần thiết cho nước nhận vốn ODA.
+ Vốn ODA có tác động tích cực, kích thích gia tăng vốn đầu tư gián tiếp trong nước, góp phần tích cực vào phát triển thị trường tài chính nói riêng, hoàn thiện các thể chế và cơ chế thị trường nói chung
- Khái quát các nghiên cứu về tác động của vốn ODA tới tăng trưởng kinh tế
Có khá nhiều công trình nghiên cứu về tác động của vốn ODA tới tăng trưởng kinh tế đối với các nước nghèo, nước đang phát triển trên thế giới và Việt Nam, có thể đề cập đến một số kết quả tiêu biểu theo hai xu hướng sau:
Vốn ODA có tác động cùng chiều, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: (i) Nghiên cứu của R.Durbarry, N.Gemmell & D.Greenaway (1998): “viện trợ nước ngoài có một số tác động tích cực đến tăng trưởng, tạo điều kiện cho một môi trường chính sách kinh tế vĩ mô ổn định” [8]; (ii) S.B. Moreira (2013): “khi xem xét một số lượng lớn các nước đang phát triển trong khoảng thời gian 29 năm, tôi thấy rằng viện trợ nước ngoài đã có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế”[9]; (iii) P.Moolio & S.Kong (2016): “viện trợ nước ngoài có tác động thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế ở bốn nước ở Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam” [10]; (iv)W. Javaid (2017): “đầu tư trực tiếp nước ngoài và Hỗ trợ phát triển chính thức có những tác động tích cực và đáng kể đến tăng trưởng GDP của Pakistan cả trong ngắn hạn và dài hạn.” [11]; Nguyễn Hoàng Thị Bích Trâm & Quách Doanh Nghiệp (2016): “ở Việt Nam, ODA tác động âm lên tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng tác động dương lên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn” [2].
Vốn ODA có tác động trái chiều, hạn chế tăng trưởng kinh tế: (i)Nghiên cứu của E. M.Ekanayake & D.Chatrna (2010): “viện trợ nước ngoài có những tác động trái chiều đến tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển”[12]; (ii) A.M.Castrillo (2011): “ở 19 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, không chỉ ra mối quan hệ đáng kể giữa viện trợ nước ngoài, chất lượng thể chế và tăng trưởng kinh tế”[13]; (iii) M.W. Phiri (2017): “viện trợ không hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng, có thể do phân bổ sai nguồn viện trợ hoặc sử dụng không hiệu quả”[14]; (iv) Hoàng Vũ Hiệp & Ngô Quốc Dũng (2016): “dòng vốn ODA có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn”[3]; (v) Nguyễn Phúc Cảnh và Phạm Gia Quyền (2017): “dòng vốn ODA thể hiện tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 1986 – 2014”[4]...
2. Tăng trưởng ODA và GDP giai đoạn 1993-2020
- Quy mô đầu tư vốn ODA giai đoạn 1993-2020
Từ năm 1993, tại Hội nghị các nhà tài trợ dành cho Việt Nam được tổ chức tại Paris (Pháp), Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, mở đầu quá trình huy động nguồn vốn ODA cho Việt Nam. Hơn 27 năm qua, vốn đầu tư ODA đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước và các tổ chức tài chính quốc tế trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Công tác vận động, thu hút và sử dụng vốn ODA đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả ba mặt cam kết, ký kết và giải ngân, thể hiện ở Bảng 1 và Biểu đồ 1.
Bảng 1: Quy mô ký kết và giải ngân vốn ODA giai đoạn 1993-2020
Đơn vị: Triệu USD
*Ghi chú: Từ năm 2013 không thực hiện cam kết Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bảng 1 cho thấy, trong 27 năm qua các nhà tài trợ đã ký kết cung ứng vốn ODA cho Việt Nam với tổng số vốn là 86.570,62 triệu USD; số vốn đã giải ngân là 65.373 triệu USD. Số vốn giải ngân chậm, chiếm 75,51% trên tổng số vốn ký kết, gần 25% số vồn còn lại bị tồn đọng, làm cho tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế khả năng trả nợ, ảnh hưởng xấu đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Biểu đồ 1: Quy mô ký kết và giải ngân vốn ODA giai đoạn 1993-2020
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Về diễn biến quy mô vốn ODA trong giai đoạn 1993-2020, biểu đồ 1 cho thấy, từ năm 1993 đến 2015 số vốn ODA ký kết và giải ngân có xu hướng tăng dần qua các năm. Thời kỳ 2010-2015, số vốn ký kết và giải ngân cao nhất, riêng năm 2014 số vốn giải ngân lên đến 5.655 triệu USD, cao nhất trong suốt các thời kỳ. Từ năm 2016 đến 2020 vốn ODA có xu hướng giảm dần, đến năm 2019 giải ngân 1.654 tỷ USD và đến 2020 giải ngân 424 tỷ USD, mức rất thấp so với những năm trước đó, vì Việt Nam đã thoát ra khỏi các nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình nên tính chất ưu đãi của vốn ODA giảm đáng kể.
- Cơ cấu đầu tư vốn ODA phân theo ngành kinh tế
Trong giai đoạn 1993-2020, vốn ODA được tập trung đầu tư vào lĩnh vực như: xây dựng hạ tầng giao thông vận tải; xây dựng các công trình thuỷ điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo, lưới điện và trạm phân phối điện; các công trình hạ tầng đô thị, bảo vệ mội trường như cung cấp thoát nước, xử lý nước thải; các dự án phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; các chương trình và dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn như thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển lưới điện nông thôn; các công trình dự án y tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; các công trình dự án khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, xây dựng các khu công nghệ cao; các dự án hỗ trợ xây dựng và cải cách chính sách, thể chế...
Biểu đồ 2: Cơ cấu vốn ODA thời kỳ 2011-2015 và 2016-2020
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Biểu đồ 2 cho thấy, vốn ODA trong thời kỳ 2011-2020 được đầu tư vào các ngành giao thông vận tải khoảng 33 %; đầu tư vào môi trường và phát triển nguồn nhân lực khoảng 23 %; đầu tư vào năng lượng và công nghiệp khoảng 14,5%; đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo khoảng 10,2 %; đầu tư vào các ngành y tế, xã hội, giáo dục đào tạo khoảng 9%; còn lại 10,3 % đầu tư vào các ngành khác. Như vậy, có khoảng 57,7% được đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Có khoảng 42,3 % được đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, phát triển nhân lực... có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn hoặc không trực tiếp tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Mối quan hệ giữa đầu tư ODA và tăng trưởng GDP
Bảng 2: Tăng trưởng ODA và GDP giai đoạn 1993-2020
Ghi chú: % tăng so với năm trước Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả |
Bảng 2 và Biểu đồ 3 cho thấy, trong giai đoạn 1993-2020, tăng trưởng ODA có tính “khập khiễng”, không ổn định, có những năm tăng trưởng dương cao đột biến (năm cao nhất là 2009 tăng trưởng lên đến 81,72%), từ năm 2015 đến 2020 vốn ODA giảm liên tục với mức tăng trưởng âm (năm thấp nhất là 2020 tăng trưởng âm -74,37). Mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong cả giai đoạn 1993-2020 là 5,5%/năm. Trong khi đó, tăng trưởng GDP có nhịp độ khá ổn định, nếu loại trừ năm 2020 tăng trưởng GDP chỉ có 2,91% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thì trong suốt giai đoạn 1993-2019 GDP có mức độ dao động tăng trưởng từ 5,32 % (2015) đến 9,5% (1995). Mức tăng trưởng giai đoạn 1993-2020 bình quân GDP hàng năm là 7,26 %/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của ODA là 1,76 %/năm.
Biểu đồ 3: Tăng trưởng ODA và GDP giai đoạn 1993-2020
Đơn vị: % /năm
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục thống kê |
Như vậy, giai đoạn vừa qua, tăng trưởng vốn ODA hàng năm không ổn định, dao động lớn từ âm -74,37% đến dương 81,72 %, nhưng tăng trưởng GDP vẫn ổn định với mức bình quân hàng năm là 7,26 %/năm. Trong nhiều năm, tăng trưởng vốn ODA là rất lớn, nhưng GDP vẫn tăng trưởng không tương xứng. Ngược lại, trong suốt những năm 2015-2020, ODA giảm sút rõ rệt, liên tục tăng trưởng âm rất lớn, nhưng tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao. Điều đó cho thấy, vốn ODA ít ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong giai đoạn vừa qua.
3. Nghiên cứu tác động của đầu tư vốn ODA đến GDP thời kỳ 1993-2020 bằng phương pháp kinh tế lượng
- Phương pháp nghiên cứu:
Xác định mối tương quan, tác động của đầu tư ODA đến tăng trưởng GDP thời kỳ 1993-2020 bằng mô hình kinh tế lượng.
Sử dụng dữ liệu nghiên cứu ở bảng 2 (đơn vị ODA = triệu USD, GDP = %), sử dụng phương pháp kinh tế lượng, phân tích hồi quy với phần mềm Eviews.
Tác động của đầu tư vốn ODA đến tăng trưởng GDP là 1 hàm số có dạng như sau:
Y = f (x) = ax + k
Trong đó: Y là tăng trưởng GDP; x là đầu tư vốn ODA; k là một hằng số
Đồ thị biểu hiện mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và đầu tư ODA
Nguồn dữ liệu: Bảng 2 |
Đồ thị trên cho thấy, tăng trưởng GDP có mối tương quan nghịch biến với đầu tư ODA.
- Mô hình phân tích hồi quy và các kết quả chủ yếu
Phân tích mối tương quan giữa 2 biến ODA và GDP, nhằm đánh giá mối quan hệ tác động của ODA đến GDP. Sử dụng dữ liệu ở bảng 2, dùng phương pháp bình quân bé nhất (Least Squares) trên Eviews cho các kết quả sau:
|
Với kết quả trên, Eviews cho phương trình hồi quy sau:
GDP = - 0,000294 * ODA +7,691619
Mô hình thể hiện mối quan hệ nghịch biến giữa ODA và GDP. Cụ thể là, khi các điều kiện khác không đổi, nếu đầu tư ODA bằng 0 thì tăng trưởng GDP là 7,69%/năm; nếu ODA tăng thêm 1 triệu USD thì GDP giảm đi 0,00029% (hay là ODA tăng 100 triệu USD thì GDP giảm 0,029%).
Với giá trị R2 = 0,09, tức là các biến độc lập ODA giải thích được 9% sự biến động của biến phụ thuộc GDP. Phần còn lại 91% được giải thích bởi các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Như vậy, đầu tư ODA trong thời gian qua ít tác động đến tăng trưởng GDP. Nói cách khác, tăng trưởng GDP trong thời gian qua ít phụ thuộc vào vốn ODA.
- Kiểm định giả thuyết mô hình với mức ý nghĩa α = 0,05
+ Kiểm định phương sai thay đổi
Giả thuyết H0: Mô hình không xảy ra hiện tượng phương sai thay đổi; H1: Mô hình xảy ra hiện tượng phương sai thay đổi.
Kết quả kiểm định White, Eviews cho ta giá trị P-value = 0,0052 < α nên bác bỏ H0 và chấp nhận H1. Vậy mô hình xảy ra hiện tượng phương sai thay đổi, nghĩa là phương trình ước lượng đã bỏ qua những biến độc lập quan trọng khác ngoài mô hình có tác động tới biến phụ thuộc GDP.
+ Kiểm định tự tương quan bậc 1
Giả thuyết H0: Mô hình không xảy ra hiện tượng tự tương quan bậc 1; H1: Mô hình xảy ra hiện tượng tự tương quan bậc 1.
Kết quả kiểm định BG (Breusch-Godfrey), Eviews cho ta giá trị P-value = 0,0138 < α nên bác bỏ H0 và chấp nhận H1. Vậy mô hình xảy ra hiện tượng tự tương quan bậc 1, nghĩa là vốn đầu tư ODA trong mô hình không đủ để giải thích được sự biến động tăng trưởng GDP qua các năm.
- Kết quả và nhận xét chung
Qua phân tích phương trình hồi quy bằng phần mềm Eviews về tác động của ODA đến GDP trong giai đoạn 1993 – 2020 ở Việt Nam cho thấy, ODA biến động ngược chiều với GDP, vốn đầu tư ODA tác động rất ít đến sự tăng trưởng GDP. Qua kết quả kiểm định, vốn đầu tư ODA trong mô hình không đủ để giải thích được sự biến động tăng trưởng GDP qua các năm; mô hình ước lượng đã bỏ qua những biến độc lập quan trọng ngoài mô hình có tác động tới biến phụ thuộc GDP. Điều này hàm ý, đầu tư ODA ít trực tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế GDP trong ngắn hạn mà có thể tạo điều kiện thu hút, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI..., từ đó gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP trong dài hạn. Hơn nữa, trong giai đoạn 1993-2020, cơ cấu vốn đầu tư ODA vào cơ sở hạ tầng kinh tế chỉ chiếm 57,7%, có tác động thúc đẩy tăng trưởng GDP, số còn lại 42,3% đầu tư và các lĩnh vực khác không có tác động trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP (Biểu đồ 2). Thực tiễn cũng cho thấy, trong nhiều năm, tăng trưởng ODA âm, nhưng tăng trưởng GDP vẫn ổn định ở mức khá cao (Bảng 2).
4. Kết luận và khuyến nghị
Qua phân tích, xem xét, đánh giá mối quan hệ giữa đầu tư ODA và tăng trưởng GDP bằng phương pháp định tính và định lượng trong thời kỳ 1993-2020 cho thấy, ảnh hưởng của đầu tư ODA đến tăng trưởng GDP giai đoạn vừa qua là rất thấp. Tuy vậy, mối quan hệ tác động đó chỉ mang tính tương đối, vì tăng trưởng GDP còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố quan trọng khác như: đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, tăng trưởng tín dụng, chuyển giao công nghệ, năng suất lao động xã hội... Việt Nam, trở thành nước có thu nhập trung bình, vì vậy nguồn cung vốn ODA bị hạn chế, mức độ ưu đãi của vốn ODA là rất thấp, nguồn vốn viện trợ không còn dồi dào như trước đây, lãi suất và chi phí vay nợ sẽ tăng lên... Tuy vậy, vốn ODA vẫn có nhiều ưu đãi và tốt hơn vay thương mại nước ngoài. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Vốn ODA cần được tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp; xây dựng phát triển khu đô thị và nông thôn mới... nhằm tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.
- Cân nhắc chọn lựa các đối tác, loại hình, điều kiện ràng buộc đối với việc vay vốn ODA; nâng cao năng lực thẩm định kỹ thuật, công nghệ máy móc thiết bị, vật tư hàng hóa nhập khẩu; đồng thời cân nhắc các điều kiện khác như kỳ hạn vay, thời gian ân hạn, lãi suất, tỷ giá, phương thức trả nợ... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tăng khả năng trả nợ, giảm thiểu chi phí vay nợ, tránh nguy cơ nhập khẩu hàng hóa và công nghệ lạc hậu.
- Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, luôn đảm bảo đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất và nhanh nhất. Đây là điều cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư vốn ODA và tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.Vốn ODA cần được tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp; xây dựng phát triển khu đô thị và nông thôn mới... nhằm tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách xã hội hóa thu hút các nguồn vốn đầu tư của tư nhân và vốn FDI, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức xã hội nhân dân và các tổ chức phi Chính phủ để đầu tư phát triển y tế, giáo dục và đào tạo... để bù đắp cho sự sụt giảm viện trợ ODA không hoàn lại, nhằm không ngừng nâng chất cao lượng nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Kinh tế Trung ương, UBND TP. Đà Nẵng, “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng vốn ODA của Việt Nam”, Hội thảo khoa học quốc tế, Đà Nẵng, ngày 07/8/2015.
2. Nguyễn Hoàng Thị Bích Trâm & Quách Doanh Nghiệp (2016), “Phân tích tác động của ODA và FDI lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế phát triển, số 232, tháng 10/2016, tr 2-10, https://elearning.tdmu.edu.vn/
3. Hoàng Vũ Hiệp, Ngô Quốc Dũng, “Tác động của vốn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, Tạp chí KT&PT, số 231 (II), tháng 09 năm 2016, tr. 21-30, https://ktpt.neu.edu.vn/
4. Nguyễn Phúc Cảnh, Phạm Gia Quyền (2017), “Ảnh hưởng của dòng vốn nước ngoài và độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế”, http://tapchinganhang.com.vn,ngày 06/03/2017.
5. Nguyễn Văn Tuấn, “Một số giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam”, https://tapchitaichinh.vn, ngày 07/11/2020
6. Hoàng Văn Cương, Phạm Phú Ninh, “Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA để phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới”, Tạp chí Khoa học và công nghệ, số 2(12), tháng 12/2015, tr1-6
7. Vương Thanh Hà, “Kinh nghiệm của một số nước trong quản lý vốn ODA”, Tạp chí quản lý Nhà nước, số 164 (9/2009), tr69-73.
8. R.Durbarry, N.Gemmell and D.Greenaway, “New Evidence on the Impact of Foreign aid on economic growth”, CREDIT Research Paper, No. 98/8, ttps://www.nottingham.ac.uk/
9. S.B. Moreira: “Evaluating the Impact of Foreign Aid on Economic Growth: A Cross-Country Study (1970-1998), https://comum.rcaap.pt/
10. P. Moolio, S. Kong: “Foreign Aid and Economic Growth: Panel Cointegration Analysis for Cambodia, Lao PDR, Myanmar, and Vietnam”, Athens Journal of Business & Economics - Volume 2, Issue 4 – Pages 417-428, https://www.athensjournals.gr/
11. W. Javaid(2017): “Impact of Foreign Financial Inflow on Economic Growth of Pakistan. Do Remittances, Foreign Aid, and ODA Behave Similarly?”, Journal of Behavioural Economics, Finance, Entrepreneurship, Accounting and Transport, 2017, Vol. 5, No. 1
12. E. M. Ekanayake, D. Chatrna: “The effect of foreign aid on economic growth in developing countries”, Journal of International Business and Cultural Studies, https://www.researchgate.net/
13. Anna Monique Castrillo: “Foreign aid’s impact on economic growth: conditional on accountable institutions?”, 2011, https://digitalcommons.lsu.edu/
14. M.W.Phiri, “The Impact of Aid on the Economic Growth of Developing Countries (LDCs) in Sub-Saharan Africa”, The Gettysburg Economic Review, Volume 10 (2017), https://cupola.gettysburg.edu/
15. Adusei, Elizabeth: “The impact of Foreign Aid on Economic Growth in Sub-Sahara Africa: The mediating role of institutions”, 27 May 2020, https://mpra.ub.uni-muenchen.de/
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 22 năm 2021
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|