Tác động của đại dịch tới việc làm xấu hơn dự kiến

(Banker.vn) Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tác động của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động cho thấy, sự đình trệ trong công cuộc phục hồi toàn cầu, sự chênh lệch đáng kể giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Tổn thất việc làm cao

Theo ILO, tổn thất về thời giờ làm việc năm 2021 do đại dịch sẽ cao hơn đáng kể so với số liệu ước tính đưa ra trước đây, do công cuộc phục hồi của các nước phát triển và các nước đang phát triển ở hai tốc độ khác nhau, đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu nói chung.

ILO dự báo, thời giờ làm việc toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn 4,3% so với mức trước đại dịch (quý IV/2019), tương đương với 125 triệu việc làm toàn thời gian. Đây là mức điều chỉnh đáng kể so với số liệu dự báo mà ILO đưa ra trong tháng 6 là 3,5%, tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian.

Trong báo cáo nhanh số 8 của ILO: Covid-19 và thế giới việc làm, cảnh báo nếu không có những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cụ thể, sẽ tồn tại sự “phân hóa lớn” trong xu hướng phục hồi việc làm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Trong quý III/2021, tổng thời giờ làm việc ở các nước thu nhập cao thấp hơn quý IV/2019 là 3,6%. Ngược lại, con số này tại các nước thu nhập thấp ở mức 5,7% và tại các nước thu nhập trung bình thấp hơn là 7,3%.

Nhìn từ góc độ khu vực, châu Âu và Trung Á ghi nhận mức tổn thất thời giờ làm việc thấp nhất so với các mức trước đại dịch (2,5%). Tiếp đến là châu Á và Thái Bình Dương, ở mức 4,6%. Châu Phi, châu Mỹ và các quốc gia Ả-rập ghi nhận mức giảm lần lượt là 5,6%, 5,4% và 6,5%.

Tại Việt Nam, tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 như: Mất việc làm, giãn việc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… so với quý II/2021, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người).

Vắc xin và chính sách kích thích tài khóa

Sự phân hóa lớn này chủ yếu do những khác biệt lớn trong việc triển khai vắc xin và các gói kích thích tài khóa. Số liệu ước tính cho thấy, với mỗi 14 người được tiêm vắc xin đầy đủ trong quý II/2021, thị trường lao động toàn cầu sẽ được bổ sung thêm tương đương một việc làm toàn thời gian. Điều này có tác dụng đáng kể thúc đẩy công cuộc phục hồi. Trên toàn cầu, giả sử nếu không có vắc xin thì tổng mức tổn thất thời giờ làm việc trong quý II/2021 đã ở mức 6%, thay vì thực tế là 4,8%.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng không đồng đều đồng nghĩa với việc hiệu quả tích mang lại cho các nước thu nhập cao là lớn nhất, không đáng kể ở các nước thu nhập trung bình thấp hơn và gần như bằng không ở các nước thu nhập thấp.

Sự mất cân bằng này có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả khi có sự đoàn kết toàn cầu lớn hơn trong vấn đề vắc xin. ILO ước tính, nếu các nước thu nhập thấp được tiếp cận vắc xin công bằng hơn thì chỉ cần trong hơn một quý, việc phục hồi thời giờ làm việc có thể bắt kịp được với các nền kinh tế giàu có hơn.

Các gói kích thích tài khóa cũng vẫn là một yếu tố then chốt trong quỹ đạo phục hồi. Tuy nhiên, khoảng trống về kích thích tài khóa phần lớn vẫn chưa được giải quyết, theo đó 86% các biện pháp kích thích toàn cầu tập trung ở các nước thu nhập cao. Số liệu ước tính cho thấy trung bình, với 1% GDP hàng năm được bổ sung thêm cho gói kích thích tài khóa, tổng thời giờ làm việc hàng năm tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với quý IV/2019.

Việt Nam cũng xác định tốc độ tiêm vắc xin quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường, do đó các bộ, ngành liên quan đã liên tục khuyến cáo các địa phương phải tăng tốc tiêm chủng. Cho đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cao so với nhiều nước trên thế giới, có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Tính hết ngày 27/10, Việt Nam đã thực hiện tiêm được 76.263.271 mũi vắc xin ngừa Covid-19.

ILO phân tích thêm, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng tác động tới năng suất, người lao động và doanh nghiệp theo cách khiến sự chênh lệch lớn hơn. “Quỹ đạo hiện tại của thị trường lao động là quỹ đạo của một công cuộc phục hồi bị đình trệ, cùng với sự xuất hiện của những nguy cơ đi xuống và sự phân hóa lớn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Sự phân bổ vắc xin và năng lực tài khóa không đồng đều đang định hình những xu hướng này, và cả hai vấn đó đều cần được khẩn trương giải quyết”, ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO cho biết.

Thanh Tâm

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương