Sướng như cổ đông FPT: Cứ 4 phiên lại "lên đỉnh" một lần, nghìn tỷ đồng cổ tức sắp tới tay

(Banker.vn) Trong sóng tăng giá thời gian gần đây của FPT, trung bình cứ khoảng 4 phiên giao dịch, cổ phiếu công nghệ này lại "lên đỉnh" một lần...

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới (10/6), cổ phiếu FPT của Công ty CP Tập đoàn FPT tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm (+1,41%), đưa thị giá lên 144.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá hiện tại tiếp tục là đỉnh mới của cổ phiếu đầu ngành công nghệ này. Vốn hóa thị trường của FPT hiện cũng lập kỷ lục mới với hơn 182.000 tỷ đồng (~ 7,4 tỷ USD), cao hơn gần 50% so với đầu năm 2024. Cổ phiếu FPT bứt phá cũng giúp tập đoàn leo lên vị trí thứ 5 trong danh sách các công ty niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sướng như cổ đông FPT: Cứ 4 phiên lại
Vốn hóa thị trường của FPT hiện cũng lập kỷ lục mới với hơn 182.000 tỷ đồng (~ 7,4 tỷ USD)

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, FPT đã có tới 27 lần đóng cửa tại mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh), trong khi số phiên giao dịch của cổ phiếu này mới chỉ là 105 phiên. Đồng nghĩa với việc trung bình cứ khoảng 4 phiên giao dịch, cổ phiếu công nghệ này lại "lên đỉnh" một lần.

Theo VNDirect, giá cổ phiếu FPT tăng vọt kể từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện, với mức P/E hiện tại là 25,5x, cao nhất mọi thời đại. Thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Kỳ vọng mảng CNTT tiếp tục đột phá

Bên cạnh tiềm năng ngành bán dẫn, xét ngắn hạn trong năm 2024, VNDirect kỳ vọng mảng dịch vụ CNTT toàn cầu của FPT sẽ tiếp tục tăng tốc, doanh thu cả năm có thể đạt mức tăng trưởng 25%. Động lực chính sẽ đến từ thị trường Nhật Bản với mức tăng trưởng 34% do tình trạng thiếu hụt nhân sự CNTT tại quốc gia này. FPT sở hữu chất lượng dịch vụ cao với giá cả cạnh tranh, hiện đã trở thành nhà thầu CNTT tại một số doanh nghiệp Nhật lớn giúp FPT có lợi thế hơn. FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027, tương đương mức tăng trưởng kép 34%.

Sướng như cổ đông FPT: Cứ 4 phiên lại

Thị trường APAC cũng có thể đạt tốc độ tăng trưởng 30%, nhờ quá trình chuyển đổi sang các giải pháp dựa trên điện toán đám mây được dự đoán sẽ có sự đột biến đáng kể, với tăng trưởng kép 30% cho đến năm 2026 trong bối cảnh lượng khách hàng lớn gia tăng tại Hàn Quốc (LG, SK,...), Singapore, Malaysia và Indonesia.

Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ phục hồi 18% vào năm 2024, nhờ nhu cầu dịch vụ CNTT phục hồi ở Mỹ. FPT hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi tiêu CNTT của thị trường này (ước tính khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm) và ba thương vụ M&A mới trong năm 2023 giúp tăng cường sự hiện diện tại thị trường Mỹ. Điểm thuận lợi ở đây là FPT cung cấp giá dịch vụ cạnh tranh so với các đối thủ, với chất lượng dịch vụ tương đương.

Câu chuyện mảng giáo dục của FPT

VNDirect dự báo mảng giáo dục của FPT sẽ duy trì mức tăng trưởng 17% trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu tuyển sinh lớn do Việt Nam thiếu hụt nhân lực CNTT có tay nghề cao. Theo Bộ TT&TT, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trung bình hàng năm khoảng 200.000 chuyên gia CNTT.

Sướng như cổ đông FPT: Cứ 4 phiên lại

Đại học FPT đã vừa thành lập khoa bán dẫn và vi điện tử, dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2024. FPT Việt Nam đã trình Chính phủ đề xuất kế hoạch đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Về đào tạo nguồn lực, 2024, FPT đảm nhận chuyển giao giáo trình chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn của Anh. Ngoài ra, tháng 3/2024, FPT khai trương chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch tích hợp (IC) tại Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp với Ấn Độ.

Theo HĐQT FPT, kể từ cuối năm 2024 tới đầu năm 2025, tập đoàn tiếp tục mở rộng diện phủ sóng hệ thống THPT liên cấp. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh mở rộng dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông từ 9 tuổi trở lên trên khắp các vùng như Huế, Thanh Hóa, Hậu Giang.

VNDirect cũng cho rằng, sự phát triển của trung tâm dữ liệu là động lực chính cho tăng trưởng của Viễn thông trong giai đoạn 24-25.

Báo cáo VNDirect cho biết ban lãnh đạo FPT đã lên kế hoạch đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, với công suất từ 50 đến 100 megawatt. Cơ sở này sẽ được trang bị khả năng tính toán mạnh mẽ nhằm hỗ trợ một loạt các dịch vụ mới trong Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn...

Hơn nghìn tỷ đồng cổ tức sắp tới tay cổ đông

Trong thông báo mới nhất của FPT, 13/6 tới là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền đợt cuối năm 2023 tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày thanh toán là 20/6/2024.

Với 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn dự kiến chi số tiền 1.270 tỷ đồng để hoàn tất đợt cổ tức lần này. Sở hữu 77,16 triệu cổ phiếu FPT, ước tính Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình sẽ nhận về hơn 77 tỷ đồng.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 9/2023, FPT đã tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2023 tỷ lệ 10%. Cùng với PV Gas (Mã GAS), đây là số ít doanh nghiệp VN30 trả cổ tức bằng tiền từ 20% trở lên trong 12 tháng gần nhất.

Ở diễn biến khác, FPT cũng đồng thời chốt danh sách phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu tự kiến được bổ sung vào thị trường là hơn 190,5 triệu đơn vị.

VN-Index đứt chuỗi đi lên, khối ngoại tập trung xả bán cổ phiếu FPT

Thị trường phiên 6/6 giao dịch ảm đạm, VN-Index gặp áp lực chốt lời về cuối phiên khiến đà tăng bị hãm lại và đóng ...

Sóng công nghệ không thể thiếu cổ phiếu TTN

Với liên tiếp các thông tin tích cực cùng triển vọng ngành "sáng", cổ phiếu công nghệ vươn lên mạnh mẽ và trở thành từ ...

Khối ngoại 10/6: Bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, FPT bị xả "không thương tiếc"

VN-Index chính thức đạt mốc 1.290 điểm trong phiên đầu tuần mới. Khối ngoại là điểm trừ khi đẩy mạnh quy mô bán ròng với ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán