Sức “nóng” về giá khiến thị trường sầu riêng “hỗn loạn”

(Banker.vn) Tranh mua, tranh bán vì giá cao dẫn tới tình trạng bẻ kèo, bẻ cọc hoặc “xù” hợp đồng xảy ra phổ biến trên thị trường sầu riêng trong năm 2023.
Dự báo sầu riêng sẽ chiếm ngôi vương trong các loại trái cây Việt Nam tại Trung Quốc “Vàng đen” lo thất thế vì lợi nhuận thấp hơn 20 lần so với sầu riêng

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng rất mạnh, từ mức chỉ đạt kim ngạch 29,2 triệu USD vào năm 2016 thì đến năm 2022 tăng vọt lên 420 triệu USD. Bước sang năm 2023, chỉ trong 10 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD và được dự báo sẽ đem về kim ngạch 2 tỷ USD trong cả năm.

Sức “nóng” về giá khiến thị trường sầu riêng “hỗn loạn”
Sầu riêng trở thành trái cây vua vì được giá

Xuất khẩu tăng vọt khiến giá sầu riêng lên cơn sốt kể từ đầu năm 2023, thậm chí có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng chi nhánh phía Nam của Hội làm vườn Việt Nam- cho biết: Sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp đã ồ ạt đi đăng ký mã số vùng trồng và tranh thủ ký hợp đồng với người nông dân cũng như các chủ vườn trồng sầu riêng.

Tuy vậy, thời điểm đặt cọc giá thấp, tới khi thu hoạch giá lại vọt lên cao dẫn tới tình trạng người nông dân bẻ kèo, bẻ cọc với doanh nghiệp để bán cho cò. Các doanh nghiệp xuất khẩu do không mua được hàng hoặc giá bán bị đẩy lên cao dẫn đến phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.

Một hệ lụy khác, theo ông Mười đó là chất lượng của sầu riêng. Theo đó, vào thời điểm giá sầu riêng cao (tháng 8 và tháng 9/2023) thị trường “hỗn loạn” tranh mua, tranh bán nên có tình trạng người nông dân thu hoạch không đảm bảo chất lượng, thu hoạch non. Trong khi đó sầu riêng là loại khó phát hiện được đã đủ tuổi thu hoạch hay chưa bởi hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người bán hàng. Chính vì thế, nhiều container hàng sau khi xuất khẩu qua Trung Quốc đã bị đối tác nhập khẩu phản hồi rằng chất lượng không đảm bảo nên không lấy hàng.

“Hiện có hơn 50% doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch thấy bất ổn nên đã nhanh chóng rời sân chơi này”- ông Mười cho biết thêm.

Bổ sung thêm thông tin này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho biết, có một số doanh nghiệp lỗ lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có doanh nghiệp cao hơn bởi nhiều nông dân đã chấp nhận đền “tiền cọc” để bán cho thương lái hoặc doanh nghiệp khác với giá cao hơn.

Ông Nguyên cho rằng, để kinh doanh mặt hàng này bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu cần có vườn trồng trái sầu riêng. Điều này là nhằm phòng ngừa rủi ro trong trường hợp người trồng “bẻ cọc” thì doanh nghiệp còn có sản phẩm để cung cấp cho nhà nhập khẩu.

Theo ghi nhận, cùng kỳ này năm ngoái giá sầu riêng Ri6 chỉ ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 95.000 - 110.000 đồng/kg. Ngoài sầu riêng Ri6, các loại khác như sầu riêng Thái và sầu riêng Musaking cũng đang ở mức cao, trong đó sầu riêng Thái 125.000 - 142.000 đồng/kg còn sầu riêng Musaking giữ mức 160.000 - 190.000 đồng/kg…

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục