Sức mua yếu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu: Masan thừa nhận đã quá lạc quan

(Banker.vn) Phía Masan cho rằng mình đã quá lạc quan trong kế hoạch tăng trưởng đầu năm cho Masan Consumer, và đặc biệt trong quý II và quý III đã tiến hành giảm áp lực tại các điểm phân phối để chuẩn bị cho dịp bán hàng trước Tết vào quý IV.

‘Khó trong nhà’, doanh nghiệp Việt ngóng dòng vốn ngoại

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan, HOSE: MSN) gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh.

Thực tế 9 tháng 2022, các mảng hoạt động của Masan đã bị ảnh hưởng đáng kể. Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 55,6 ngàn tỷ đồng (giảm 14,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số đạt 3,1 ngàn tỷ đồng (tăng 46,8% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ khoản bất thường từ đánh giá lại Phúc Long (khoảng 642 tỷ đồng) thì lợi nhuận chỉ tăng trưởng chưa đến 20%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng hồi đầu năm của BVSC.

Đối với Masan Consumer, BVSC nhận thấy dấu hiệu chững lại rõ nét, đặc biệt ở mảng gia vị và thực phẩm đóng gói từ nền rất cao của năm ngoái, trong khi các mảng như đồ uống và chăm sóc gia đình vẫn duy trì mức phục hồi ấn tượng.

Sức mua có vẻ yếu dần khi bước vào quý III và người tiêu dùng đang có xu hướng down-trade xuống các phân khúc thấp hơn để quản lý chi tiêu, bằng chứng là tỷ lệ đóng góp của các sản phẩm cao cấp của Masan Consumer giảm khá đáng kể tại thời điểm quý III/2022 so với năm trước.

Masan MSN
BVSC nhận định Masan sẽ gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh.

Phía Masan cũng cho rằng đã hơi lạc quan trong việc đánh giá sức mua và xây dựng kế hoạch hồi đầu 2022. Tập đoàn đã chủ động giảm tải cho hệ thống phân phối trong quý II và quý III, qua đó chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm cho Tết 2023 vào cuối năm.

Còn WinCommerce ghi nhận mức giảm đáng kể trong quý III/2022 không chỉ do mức nền cao trong năm ngoái mà cũng do sức mua của người tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của thu nhập, giá cả. Thực tế, đang có sự chuyển dịch ngược tạm thời từ kênh hiện đại về kênh truyền thống để tìm kiếm những lựa chọn rẻ tiền hơn của người tiêu dùng.

"Điều này đã thúc đẩy các công ty bán lẻ đẩy mạnh rà soát doanh mục sản phẩm, giá cả, tăng cường chương trình khuyến mãi, chính sách kích cầu cho membership và cắt giảm/tối ưu hoá chi phí hoạt động", BVSC cho biết.

Về Masan Meatlife, sản phẩm MeatDeli sau khi tăng độ phủ nhanh sau 2 năm 2020 – 2021 thì tạm thời đang chững lại do nhiều lý do. Một là cạnh tranh gay gắt ở thị trường thịt mát; hai là người dân vẫn ưu tiên lựa chọn mô hình truyền thống có giá rẻ để tiết kiệm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Còn Masan Hi-Tech Materials (MSR) không phát sinh doanh thu đồng trong 9 tháng năm 2022. MSR đang tìm giải bán để bán tồn kho đồng (giá thị trường khoảng 6.000 tỷ tại thời điểm cuối quý III/2022) để thu về nguồn tiền cần thiết để trả các khoản trái phiếu đến hạn. BVSC quan sát thấy MSR có chào bán đấu giá số tồn kho này trong tháng 8 nhưng tới hiện tại vẫn chưa có công bố chính thức nào.

Năm 2022, BVSC dự báo doanh thu của MSN đạt 78,2 ngàn tỷ (giảm 11,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số đạt 3,4 ngàn tỷ (giảm 60,4% so với cùng kỳ).

Năm 2023, BVSC dự báo doanh thu đạt 89,3 ngàn tỷ (tăng 14,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số đạt 3,9 ngàn tỷ (tăng 14,5% so với cùng kỳ). EPS 2022 – 2023 lần lượt là 2.385 và 2.731 đồng/cổ phiếu, tương với P/E dự phóng 39,8 lần và 34,8 lần.

BVSC đưa ra giá mục tiêu 116.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị khả quan đối với MSN, trong đó tăng chiết khấu định giá SoTP từ 5% lên 15% để phản ánh độ nhạy của những cổ phiếu tăng trưởng (P/E cao) với môi trường lãi suất tăng và những khó khăn/rủi ro kinh doanh trong 6 – 12 tháng tới.

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán