Sức ép tăng lãi suất điều hành

(Banker.vn) HSBC dự báo rủi ro tăng đối với lạm phát là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tín dụng bất động sản như thế nào?

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC chỉ ra rằng lạm phát đã diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Lạm phát toàn phần tiếp tục nhích lên trong tháng 1/2023, tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường.

Trong đó, lạm phát lương thực tiếp tục là yếu tố đóng góp lớn nhất, ở mức 6,1% so với cùng kỳ. Giá các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng lên, chẳng hạn như gạo, thịt gia cầm và trái cây chế biến, do mức tiêu thụ tăng khi đến gần những ngày nghỉ lễ.

Lãi suất điều hành có thể lên 7% vào giữa năm 2023
Lãi suất điều hành có thể lên 7% vào giữa năm 2023

Mặc dù giá dầu thế giới vẫn ổn định trong tháng 1, nhưng thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam đối với xăng đã tăng từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, khiến giá xăng bán lẻ trong nước tăng nhẹ.

Ngoài ra, lạm phát cơ bản tiếp tục đà tăng, lên 5,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước đang bùng nổ. Bức tranh về nhu cầu trong nước sẽ hiện lên rõ ràng hơn khi dữ liệu tháng 2 được công bố nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tiêu dùng vẫn đang tăng.

Diễn biến này cho thấy có nhiều rủi ro tăng đối với lạm phát, vì vậy, cũng là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

HSBC kỳ vọng NHNN sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý 1/2023 và quý 2/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7% vào giữa năm 2023.

Tại Báo cáo chiến lược 2023, SSI Research cũng cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Chính phủ đưa ra sẽ gặp khá nhiều thách thức. Theo SSI Research, rủi ro lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và là một trong những thách thức quan trọng đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Đơn vị này cho biết, trong khi lạm phát trung bình trong năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4%, dữ liệu theo tháng cho thấy chỉ số CPI đã bắt đầu tăng tốc mạnh từ quý 3/2022 với các yếu tố tác động tăng dịch chuyển dần từ nhóm năng lượng sang nhóm hàng hóa liên quan đến giáo dục và nhà ở.

Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái.

"Lý do chính là vì chúng ta có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng chậm hơn", ông TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo đó, các yếu tố xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào làm tăng lạm phát ở vòng 1, đến vòng 2, vòng 3 là tác động lên lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng.

“Năm 2023, chúng ta cũng thuộc lộ trình bắt buộc phải tăng một số giá hàng hoá cơ bản như: Lương cơ bản và cũng đang cân nhắc để tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục là những dịch vụ thiết yếu cũng buộc phải tăng", TS. Cấn Văn Lực chỉ ra.

Trên thực tế, các kịch bản lạm phát trong năm 2023 từ các cơ quan chính phủ cũng có sự phân hóa (dao động từ 3,8% - 5%), cho thấy các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.

Hồng Văn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục