73% các nước trên thế giới tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp
Nói về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi nêu rõ Luật có hiệu lực từ năm 2019. Từ đó đến nay Luật được sửa đổi, bổ sung 4 lần để dần thực hiện các chính sách quy định trong luật, cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế và thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt một mặt đã đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách nhưng quan trọng hơn là đã có tác động tích cực về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng, trong đó đặc biệt phải kể đến những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường trên tinh thần các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực y tế và môi trường.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng bộc lộ một số bất cập và hạn chế, đặc biệt là phạm vi đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định chưa thật sự rõ ràng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; cơ cấu thuế suất với một số nhóm mặt hàng cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả. Căn cứ tính thuế còn chưa được cập nhật so với các thông lệ tốt của quốc tế và chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng đối với các sản phẩm có hại với sức khỏe, cũng như mục tiêu khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
TS. Evan Harold Blecher, chuyên gia kinh tế của Chương trình Thuế toàn cầu Ngân hàng Thế giới nhận thấy, thời gian qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh, tất cả hàng hóa đều trở nên có giá cả phải chăng hơn, giúp mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội có thể sử dụng được nhiều loại hàng hóa hơn. Tuy nhiên, khi hàng hóa gây hại trở nên có giá phải chăng hơn thì các cá nhân, hộ gia đình và xã hội phải gánh chịu thiệt hại nhiều hơn.
TS. Evan Harold Blecher cho biết, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh của Việt Nam đã từ mức thấp hơn đáng kể so với các quốc gia đồng đẳng vào đầu những năm 1990 lên cao hơn đáng kể so với các quốc gia đồng đẳng trong những năm 2010. Từ năm 1990 đến 2019 thì tỷ lệ này đã tăng 460%, trong đó có nguyên nhân từ sử dụng nhiều bia, rượu.
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, việc áp dụng phương pháp tính thuế tương đối, dựa trên giá trị của sản phẩm như hiện nay ở Việt Nam cần xem xét lại. Bởi, tác hại liên quan đến bia, rượu không tương quan với giá trị, một loại bia đắt tiền cũng không kém phần độc hại so với loại bia có giá rẻ hơn.
Dẫn chứng từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên thế giới, 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp, chỉ còn 27% quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, áp dụng phương pháp tính thuế tương đối, TS. Evan Harold Blecher gợi ý nên áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hay hỗn hợp sẽ phản ánh đúng hơn tác hại của một hàng hóa, sản phẩm.
Bổ sung đối tượng và cách tính thuế mới
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính hiện đang rà soát để đề xuất sửa đổi một số nội dung chính sách của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Chính phủ cho ý kiến. Hiện còn khá nhiều luồng quan điểm khác nhau đối với một số nội dung dự kiến sửa đổi của Bộ Tài chính.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang xây dựng nhằm mở rộng cơ sở thu thuế; hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường; khuyến khích đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.
Theo đại diện Bộ Tài chính, để thực hiện những mục tiêu nêu trên, dự kiến sẽ bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá; nghiên cứu tăng thuế suất thuế đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.
Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành là cần thiết để phù hợp với sự thay đổi xu hướng tiêu dùng và bối cảnh kinh tế. Theo các chuyên gia, khi sửa luật thuế cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp; tính đến lợi ích, chi phí các bên liên quan.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, việc thay đổi hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt từ tương đối sang hỗn hợp có thể sẽ có một số tác động đến thị trường tiêu thụ bia hiện nay. Tuy nhiên, nếu xây dựng một cách hợp lý, với sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thị trường trong nước, thì hệ thống thuế hỗn hợp sẽ có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia.
Ông Nguyễn Thanh Phúc đánh giá, nếu thực hiện chuyển dịch sang hệ thống hỗn hợp với lộ trình rõ ràng để tăng dần cơ cấu tuyệt đối đồng thời giảm cơ cấu tương đối sẽ giúp các nhà sản xuất có kế hoạch thay đổi danh mục sản phẩm, có động lực để đầu tư nâng cao chất lượng, nghiên cứu sản phẩm mới… Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành sản xuất bia trong nước theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Minh Đức
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|