Sửa đổi Luật Dược: Có tháo gỡ được “điểm nghẽn’’ cho công nghiệp dược phát triển?

(Banker.vn) Sở hữu tiềm năng lớn nhưng 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm phải nhập khẩu. Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho phát triển công nghiệp dược của Việt Nam.
Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước trở thành trung tâm sản xuất giá trị cao Lào Cai: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược liệu

Xếp loại ở mức 3/5

Thị trường nguyên liệu dược phẩm trong nước đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà cung ứng nước ngoài, chủ yếu là châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu nhưng đa phần nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước đang phải nhập khẩu.

Công nghiệp dược của Việt Nam còn những hạn chế để phát triển
Công nghiệp dược của Việt Nam còn những hạn chế để phát triển. Ảnh minh họa

Chia sẻ trong một sự kiện gặp gỡ báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Hiện nay, trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn dược liệu của chúng ta rất phong phú, vì thế cần có chính sách ưu tiên để thu hút phát triển ngành công nghiệp dược để đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Theo phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3/5, nghĩa là “Công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam vẫn chưa phát triển do thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, công nghiệp phụ trợ...; tình trạng trồng và phát triển dược liệu ở một số vùng mang tính tự phát, nhỏ lẻ theo thời vụ và khó kiểm soát được chất lượng của dược liệu trong quá trình nuôi trồng, thu hái và chế biến; phát triển dược liệu chưa gắn với chuỗi giá trị của sản phẩm.

Ngoài ra, chưa phát huy được tiềm năng, kinh nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền, cũng như hiện đại hóa các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam...

Tuy còn những hạn chế, chưa đạt được như mong muốn nhưng vẫn phải nhìn nhận, việc phát triển công nghiệp dược trong giai đoạn vừa qua đã đạt được bước phát triển nhất định. Trong giai đoạn 2009 - 2015, ngành hóa dược Việt Nam đã xây dựng được quy trình công nghệ tiên tiến để tổng hợp và tinh chế nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, nhiễm khuẩn, virus và ký sinh trùng...

Trải qua nhiều năm thực hiện, chương trình hóa dược đã đi đúng hướng, lựa chọn được các loại thuốc thiết yếu và có hiệu quả chữa bệnh hiểm nghèo.

Bổ sung thêm quy định phát triển công nghiệp dược

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mới đây đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định tại khoản 3, khoản 5, Điều 7 Luật Dược nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng: Ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vaccine, sinh phẩm, thuốc thiết yếu, thuốc hiếm, thuốc dược liệu, thuốc được sản xuất từ chất chiết xuất từ dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia.

Ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gene dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước.

Theo ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), những nội dung sửa đổi Luật Dược được đánh giá tích cực đối với người dân và doanh nghiệp dược phẩm khi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng khả năng tiếp cận thuốc cho người bệnh, nhất là đối với người dân mắc bệnh hiểm nghèo...

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Cũng nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp dược theo chiều sâu, trong Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược được Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) xây dựng đặt mục tiêu, đến năm 2030, sản xuất trong nước bảo đảm đáp ứng 15%, năm 2045 đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu tính theo giá trị phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc, chế phẩm, vật tư ngành y tế phù hợp với mục tiêu của “Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định 376/QĐ-TTg và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược theo chiều sâu, chủ động nguồn nguyên liệu thuốc, phát triển công nghiệp hóa dược có cơ cấu, sản phẩm tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các sản phẩm hoá dược chủ yếu, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

Đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hoá dược, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước; xúc tiến thương mại, phát triển thương mại trong nước, thương mại điện tử để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê, nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.

Thanh

Theo: Báo Công Thương