Sửa đổi Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý

(Banker.vn) Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực.
Công bố thêm 26 di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nhiều hoạt động tôn vinh Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại phố cổ Hà Nội Di sản Hội An vào top 7 điểm đến thịnh hành nhất thế giới năm 2024

Nhằm thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo "quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa" (Điều 41) và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay; thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đến nay, Dự án Luật Di sản văn hoá đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023), được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo (Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý
Sửa đổi Luật Di sản văn hoá nhằm phát huy giá trị các di sản. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch - ông Hoàng Đạo Cương cho biết, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa 2009.

Theo đó, ông Hoàng Đạo Cương nêu rõ, một số quy định của Luật Di sản văn hoá còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật; một số luật có sự đan xen với Luật Di sản văn hóa như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp… đã được sửa đổi, bổ sung có quy định liên quan đến di sản văn hóa cần được quy định trong Luật Di sản văn hóa đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên cần nội luật hóa.

"Cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế"- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Nêu ý kiến tại hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường cho hay, ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm rất tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ phục vụ quyền được hưởng thụ của người dân trong nước mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới.

Trong điều kiện hiện nay, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, nước ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa thì việc khuyến khích làm sống lại và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật này để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động sáng tạo trong việc phát huy các giá trị của di sản văn hóa.

Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội Trương Minh Tiến cũng cho rằng, việc quy hoạch di tích là di tích quốc gia đặc biệt hiện đang thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên thực tế cho thấy, thời gian qua, TP Hà Nội đã phải dành quá nhiều thời gian để xin chủ trương, trình phê duyệt quy hoạch, bởi vậy khi sửa đổi cần giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt sau khi có ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.

Góp ý tập trung vào một số điểm mới trong dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, số hóa di sản là một chủ trương lớn mà ngành văn hóa tập trung đầu tư thực hiện theo chương trình của Chính phủ “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, số hóa di sản cũng như làm trưng bày, diễn giải di sản là công việc của một tập thể, bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên ngành, nhà bảo tàng học, nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật và cả những người làm giáo dục, truyền thông di sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc soạn thảo dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý tại hội nghị để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 74 điều), trong đó: Bỏ 1 chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, thành 3 chương mới là Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu (Chương V); Bảo tàng (Chương VI); Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (Chương VIII).

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục