Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân

(Banker.vn) Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh-sinh viên từ 1/7/2024 là bao nhiêu? Thông tin mới nhất về quy định chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế Bộ Y tế phản hồi kiến nghị đưa thuốc chữa bệnh suy thận, ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế

Bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến BHYT

Chiều 22/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về sự cần thiết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm: Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác BHYT.

Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản định hướng về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới...

Để các định hướng, chiến lược này được thể chế vào Luật, bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến BHYT đặt ra yêu cầu cần khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật BHYT.

Thứ hai, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Sau 15 năm thực hiện Luật, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật BHYT đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của BHYT; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT; tên gọi của cơ sở khám, chữa bệnh; hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về BHYT, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật...

Để giải quyết các vướng mắc, bất cập này, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật BHYT hiện hành.

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đã lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 với 4 chính sách.

Cụ thể, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

"Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV)" - Phó Thủ tướng nêu.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời khắc phục một số hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội.

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về lý do chưa sửa đổi toàn diện Luật BHYT, lộ trình sửa đổi toàn diện Luật này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT và khắc phục toàn diện các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong tổ chức thực hiện BHYT.

Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, nội dung các chính sách cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Về nội dung cụ thể của các chính sách, các cơ quan có ý kiến như sau: Về chính sách điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với mục tiêu và nội dung của Chính sách này để bảo đảm đồng bộ về đối tượng tham gia BHYT bắt buộc với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, đối với một số đối tượng dự kiến bổ sung vào nhóm tham gia theo hộ gia đình, như: Người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật..., chưa làm rõ được lý do bổ sung, chưa đánh giá tác động đầy đủ, nhất là điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia BHYT bắt buộc được chuyển sang tham gia BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục duy trì quyền lợi BHYT của người lao động.

Về chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, đối với đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để quy định cụ thể việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT hoặc thiết kế gói quyền lợi BHYT đối với các dịch vụ khám chẩn đoán để điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh, quyền lợi về sử dụng một số sản phẩm dinh đưỡng điều trị đặc thù, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, do nội dung chính sách này mở rộng quyền lợi BHYT trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù nên nếu đã làm rõ, đánh giá tác động đầy đủ thì quy định cụ thể trong Luật phù hợp.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới việc triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối quỹ BHYT, cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định về nguyên tắc nội dung này trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đối với đề xuất “giao Chính phủ quy định về BHYT bổ sung khi đủ điều kiện”, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ mối quan hệ với BHYT thương mại, làm rõ cơ chế quản lý và hạch toán thu, chi trong tương quan với BHYT cơ bản để làm căn cứ quy định chính sách. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung này; trường hợp cần thiết đề nghị trước mắt quy định thực hiện thí điểm.

Đối với đề xuất hưởng 100% BHYT khi chuyển tuyến (cấp chuyên môn), chuyển giữa các cơ sở khám bệnh trong một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, đề nghị tiếp tục đánh giá bổ sung, làm rõ tác động chính sách để bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định có liên quan để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT trong trường hợp phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế, không thể cung cấp cho người bệnh.

Về chính sách điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng thêm về nội dung này và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để bảo đảm tính khả thi.

Về chính sách phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các nội dung về sử dụng quỹ BHYT, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đề xuất giải pháp phù hợp, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết thi hành Luật BHYT thời gian qua.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục