“Sứ giả Công Thương” trong hội nhập kinh tế quốc tế

(Banker.vn) Có thể nói chưa khi nào, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài lại phát huy hiệu quả vai trò “sứ giả kinh tế” trong hội nhập kinh tế quốc tế như năm 2023.
Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng địa phương trong công tác hội nhập quốc tế Ngành Công Thương đặt trọng tâm vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Một năm qua, hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; đồng thời cảnh báo sớm các rào cản mới của đối tác và các vụ kiện thương mại... giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả.

“Sứ giả Công Thương” trong hội nhập kinh tế quốc tế
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh quan điểm phải đổi mới công tác Thương vụ

Từ tư duy đột phá...

Hệ thống Thương vụ Việt Nam từ lâu đã trở nên quen thuộc với các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước bằng những thông tin “đặc thù” với những điểm nhìn mà có lẽ chỉ có người tại chỗ mới có.

Song dường như giữa các đại diện Thương vụ và cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý vẫn có một rào cản nào đó. Mà nếu như không có những rào cản ấy thì bối cảnh “xuân thu nhị kỳ” gặp mặt đã hạn chế phần nào hiệu quả tương tác đáng lý ra phải rất chặt chẽ, rất thường xuyên.

Vấn đề xét cho cùng vẫn là tư duy của người lãnh đạo. Chính trong bối cảnh đó với vai trò Tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh quan điểm phải đổi mới công tác Thương vụ; hoạt động của Thương vụ phải mang tính hiệu quả, thiết thực như là khâu đột phá trong xuất khẩu của công tác xúc tiến thương mại. Không có lý gì mà cơ quan quản lý lại bị động, doanh nghiệp chịu thiệt thòi vì chậm nắm bắt thông tin, tuột mất cơ hội hợp tác, giao thương... khi mà Việt Nam có một hệ thống Thương vụ có thể nói là rất hùng hậu và chuyên nghiệp.

Từ chỉ đạo của Bộ trưởng, cứ vào mỗi cuối tháng, các cuộc giao ban xúc tiến thương mại giữa các đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước với cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã diễn ra một cách đều đặn. Mỗi một cuộc giao ban đều có các chủ đề rõ ràng về khu vực thị trường, về ngành hàng xuất khẩu... Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần bố trí thời gian để trực tiếp chủ trì các cuộc giao ban này.

Tại các cuộc giao ban, những yêu cầu rất cao với hệ thống Thương vụ đã được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Đó là cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu; tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B; chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu trong từng ngành hàng, dự án để phục vụ cho hợp tác đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp trong nước; kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho doanh nghiệp thương mại nước ngoài có cơ hội về thăm Việt Nam và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài và quảng bá sản phẩm.

... đến những kết quả nổi bật

Một chủ trương đúng, một tư duy đổi mới, sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời nhanh chóng được minh chứng bằng những kết quả cụ thể.

Kết quả nổi bật đầu tiên chính là tính liên thông giữa những biến động của các thị trường ngoài nước với các cơ quan quản lý trong nước mà đầu tiên và trực tiếp là các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương. Sự liên thông một mặt giúp cho các cơ quan quản lý luôn ở vào tâm thế chủ động, kịp thời trong phản ứng chính sách - yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng công tác quản lý ngày nay. Nhiều chính sách đã kịp thời được điều chỉnh cho sát với thực tế, phù hợp với bối cảnh mới của các khu vực thị trường, sự thay đổi trong thói quen làm ăn của doanh nghiệp các nước. Hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thực sự là cánh tay nối dài cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Từ đó giúp gia tăng hiệu quả của công tác quản lý, điều hành.

“Sứ giả Công Thương” trong hội nhập kinh tế quốc tế
Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông tham gia gian hàng tại Hội chợ Thực phẩm quốc tế Hồng Kông - Hong Kong International Food Expo. Ảnh: Moit

Kết quả nổi bật thứ hai cũng là sự lan tỏa từ kết quả thứ nhất chính là chưa khi nào mà doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và cơ quan Thương vụ lại trở nên gần gũi nhau như thế. Những tình cảm, những mối quan tâm được chia sẻ tại các cuộc giao ban giữa doanh nghiệp trong nước và đại diện các Thương vụ đều hướng tới mục tiêu lớn là làm sao để phát triển được thị trường ngoài nước, làm sao để doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp các nước gắn kết nhau, tìm thấy ở nhau những nhu cầu hợp tác.

Trước đây, qua nhiều hình thức thông tin, giữa doanh nghiệp và các Thương vụ đã có sự kết nối, chia sẻ nhưng để việc kết nối thành hệ thống mang tính thường xuyên, kịp thời cũng như chỉ rõ ra một tư duy chiến lược trong phối hợp thì điều đó hẳn phải đến năm 2023.

Ghi nhận tại các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại cho thấy, hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thực sự là “địa chỉ” đáng tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp, của hàng hóa Việt Nam trong quá trình chinh phục thị trường thế giới.

TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada: Các cuộc giao ban xúc tiến thương mại và kết nối với hệ thống Thương vụ góp phần tạo lập nền tảng đối thoại và cập nhật thông tin thường kỳ để hệ thống các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài của Bộ Công Thương sớm nắm bắt chủ trương, định hướng, qua đó, kịp thời tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin, kinh nghiệm cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp...

Hoàng Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục