Sử dụng thuốc lá sẽ tiếp tục tăng nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ

(Banker.vn) Tỷ lệ người hút thuốc có thể tăng lên tới 43% vào năm 2030 nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Quốc hội trẻ em: Kiến nghị cách chống thuốc lá điện tử Hồi chuông cảnh báo về tác hại của thuốc lá mới với thanh thiếu niên Thuốc lá: Kẻ thù của giấc ngủ và sức khỏe tinh thần

Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tình trạng hút thuốc lá ở nước ta đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động, bất chấp những tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Mặc dù đã có thời kỳ tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam giảm xuống, nhưng con số này hiện đang có xu hướng đi lên. Điều đáng lo ngại hơn là các dự báo cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc có thể tăng lên tới 43% vào năm 2030 nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Việc xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác đang góp phần làm trầm trọng thêm tình hình. Các sản phẩm này không chỉ dễ dàng tiếp cận mà còn được quảng cáo với nhiều “hương vị” hấp dẫn, thu hút một lượng lớn người dùng trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Giá thành rẻ cũng là một yếu tố khiến các sản phẩm này trở nên phổ biến hơn.

Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: ITN
Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: ITN

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, tất cả các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đều gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Nicotine, thành phần chính trong thuốc lá, là một chất gây nghiện mạnh, gây tổn thương não bộ, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, các sản phẩm này còn chứa nhiều hóa chất độc hại và các chất gây ung thư.

Các sản phẩm thuốc lá lai, kết hợp giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, càng làm tăng thêm những nguy cơ đối với sức khỏe người dùng, khi chúng mang trong mình những đặc tính và khả năng gây hại của cả hai loại thuốc lá truyền thống và hiện đại.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, không thể coi là giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới (bao gồm cả trẻ em và phụ nữ). Cần quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới trước khi quá muộn do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy cho biết, ngày 11/11/2004 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam là nước thứ 47 tham gia vào Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005.

Khoản 3 Điều 5 Công ước khung quy định nghĩa vụ chung của các quốc gia tham gia trong khi hoạch định và thi hành các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, phải: "Hành động để bảo vệ những chính sách này khỏi bị tác động bởi các lợi ích về thương mại và các lợi ích có lợi khác của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia".

Trước thực trạng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ngày càng phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đang tích cực đề xuất những giải pháp mạnh mẽ để quản lý chặt chẽ các sản phẩm này.

Cụ thể, Bộ Y tế đang trong quá trình đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, dự kiến sẽ có quy định cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới này.

Việc đưa ra đề xuất trên dựa trên cơ sở khoa học, khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện và gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe cá nhân mà còn là một gánh nặng lớn cho xã hội. Theo thống kê, có tới trên 45 triệu người Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm. Điều đáng lo ngại là phần lớn những người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế và xã hội.

Bên cạnh việc đề xuất Nghị quyết, Bộ Y tế cũng đang tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, thuốc lá sẽ được xếp vào nhóm sản phẩm có hại và sẽ chịu mức thuế cao hơn. Dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2024.

Thuốc lá tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động; có tới trên 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm. Điều này làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động; và sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Các nghiên cứu tại Việt Nam gần đây cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ: Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023).

Ở người trên 15 tuổi: Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỷ lệ là 7,3); Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%; Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá mới. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục