Toàn cảnh diễn đàn |
Với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng (ANNL) trong bối cảnh mới”, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cuối tuần qua nhằm thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc ANNL trong bối cảnh mới,
Diễn đàn thu hút sự tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Israel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, trong bối cảnh trong nước và thế giới như hiện nay, giải pháp thúc đẩy SDNLTK&HQ cần đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng cho biết, Diễn đàn này chính là góp phần thực hiện tốt các cam kết tại Hội nghị COP26 và theo tinh thần của Nghị quyết 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khẳng định SDNLTK&HQ là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực về trên thế giới là khá cao, Việt Nam sử dụng quá nhiều năng lượng so với GDP. “Chúng ta đã có Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ nhưng không gian TKNL còn rất lớn!”- Thứ trưởng khẳng định.
Tại Diễn đàn, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường (UNDP Việt Nam) thông tin, Việt Nam là một trong những nước có cường độ tiêu thụ năng lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng thứ 2 sau Brunei, cao hơn 25% trung bình khu vực (117.51 vs. 93.78 TOE/triệu USD GDP trong năm 2019)
Do đó, theo chuyên gia UNDP, mục tiêu tỷ lệ TKNL trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045 (Nghị quyết 55-NQ/TW) là một thách thức. “Theo một đánh giá của ETCS, nếu dùng 1‒4% của tổng mức đầu tư cho ngành năng lượng vào nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thì có thể đáp ứng được 8 - 25% nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng thêm vào năm 2030”, ông Đào Xuân Lai gợi ý.
Đồng thời cho rằng các sáng kiến và dự án thúc đẩy TKNL ở Việt Nam nên tập trung các lĩnh vực: chiếu sáng (LED), trong công trình xây dựng, thúc đẩy xanh hóa chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp (thanh long và tôm-lúa), thúc đẩy giao thông xanh và giao thông điện, thúc đẩy đầu tư vào TKNL và DNLTK&HQ trong các DN tập trung vào DN vừa và nhỏ…
Chuyên gia UNDP cũng gợi ý các chính sách thúc đẩy SDNLTK&HQ trong các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, như có các chính sách ưu đãi đầu tư, vay vốn và lãi suất, thuế, hoặc thưởng…. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển ổn định thị trường dịch vụ, thiết bị và vốn cho SDTKNL&HQ, hoàn thiện hệ thống đào tạo nâng cao năng lực kỹ thuật, quản lý năng lượng, lập và phân tích dự án SDNLTK&HQ cho các DN…
Tại Diễn đàn, các ý kiến cũng nhấn mạnh yếu tố KH&CN trong việc SDHLTK&HQ như từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong DN, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Linh Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|