Startup Việt tiếp tục “hút vốn” ngay từ đầu năm

(Banker.vn) Liên tục từ cuối năm 2021 cho tới những ngày đầu năm 2022, nhiều startup trong các lĩnh vực như xe điện thông minh, nền tảng bán hàng, nền tảng âm thanh trực tuyến… đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo đó startup tiên phong trong lĩnh vực xe điện thông minh Selex Motors vừa gọi vốn thành công 2,1 triệu USD vòng tiền hạt giống, dẫn đầu bởi Touchstone Partners. Vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của các nhà đầu tư như ADB Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Phát triển châu Á và Nextrans - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tích cực nhất tại Việt Nam.

Xe máy điện chở hàng và trạm đổi pin tự động do Selex Motors phát triển

“Selex có tất cả những yếu tố mà chúng tôi tìm kiếm khi lựa chọn một công ty khởi nghiệp gồm những nhà sáng lập giỏi và giàu kinh nghiệm, luôn nỗ lực để tìm ra giải pháp công nghệ cho những bài toán lớn ở Việt Nam, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu”- bà Ngô Thùy Ngọc Tú - Đồng sáng lập Touchstone Partners - nhận định.

Về sáng lập viên, startup này được thành lập vào năm 2018 bởi ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên (Giám đốc điều hành/Giám đốc công nghệ), ông Nguyễn Trọng Hải (Kỹ sư trưởng kỹ thuật cơ khí) và ông Nguyễn Đình Quảng (Kỹ sư trưởng phần mềm). Selex có 3 lợi thế cạnh tranh là các xe điện được thiết kế nhằm mục đích phục vụ lĩnh vực logistics, có thể vận chuyển tải trọng nặng hơn và to hơn so với xe chở khách thông thường. Thứ hai, Selex có thể cung cấp các sản phẩm với giá cả cạnh tranh và tiết kiệm chi phí đáng kể, có thể tiết kiệm đến 50% chi phí bảo trì và 25% chi phí nhiên liệu nhờ vào lợi thế làm chủ sâu về thiết kế và công nghệ. Thứ ba, giải pháp đổi pin độc đáo giúp rút ngắn tối đa thời gian sạc chỉ trong vòng chưa đến một phút, đảm bảo sự tiện dụng và cắt giảm “thời gian chết” cho khách hàng khi sử dụng.

“Số vốn nhận được trong vòng đầu tư này sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), mở rộng quy mô sản xuất tại nhà máy mới ở khu vực Hà Nội và bắt đầu đưa sản phẩm vào vận hành chính thức với các khách hàng doanh nghiệp đầu tiên. Với việc thành lập cơ sở sản xuất mới, công ty cũng có kế hoạch mở rộng sang các nước Đông Nam Á trong tương lai gần”- đại diện của Selex cho biết.

Trước đó, ngày 12/1/2022 nền tảng thương mại xã hội ON cũng công bố việc huy động thành công 1,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống, dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners. ON là nền tảng bán hàng không cần vốn được ra mắt đầu năm 2021 tại Việt Nam bởi 3 nhà đồng sáng lập Nguyễn Hoàng Giang, Lưu Tiến Dũng và Nguyễn Tiến Minh.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành ON - chia sẻ: ON được tạo ra với kỳ vọng kiến tạo giá trị tích cực cho cộng đồng, giúp mọi người có thể bắt đầu bán hàng và kiếm thêm thu nhập một cách dễ dàng, bền vững với nguồn hàng chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín. Với số vốn được huy động trong vòng này, ON sẽ tiếp tục phát triển năng lực công nghệ, nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng thị trường đến các tỉnh thành tại Việt Nam.

Cùng với Touchstone Partners, các quỹ đầu tư mạo hiểm như VinaCapital Ventures (V2) của Tập đoàn VinaCapital và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV của Mekong Capital cũng đã công bố hoàn tất vào nhiều startup tại Việt Nam trong năm 2021 vừa qua, với trọng tâm là các lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ…

Theo báo cáo mới đây mà Nextrans công bố, trong năm 2021, vốn đầu tư đổ vào các startup Việt Nam tăng mạnh, chạm mốc hơn 1,3 tỷ USD. Các lĩnh vực nóng thu hút được nhiều vốn đầu tư có thể kể đến công nghệ tài chính (fintech), trò chơi, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và thương mại điện tử. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 3.800 startup với 4 "kỳ lân" (VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis) và 11 startup có định giá trên 100 triệu USD (Tiki, Topica Edtech…).

Các chuyên gia dự báo, làn sóng đầu tư vào các startup Việt sẽ còn tiếp tục tăng cao trong năm nay bởi Việt Nam là thị trường mới nổi quy mô lớn với dân số lên đến 100 triệu người, nền kinh tế phát triển nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều "điểm nghẽn - pain point" trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là logistics, y tế, giáo dục, tài chính, bảo hiểm... tạo nên "mảnh đất màu mỡ" cho các startup. Thêm vào đó, làn sóng khởi nghiệp hiện tại ở Việt Nam đã là thế hệ thứ ba, các nhà sáng lập đã có nhiều kinh nghiệm trong gọi vốn, quản trị, nắm vững các công nghệ mới, có được sự pha trộn tốt giữa tiếp cận trình độ quốc tế và kinh nghiệm địa phương. Các trường đại học và các tập đoàn lớn cũng đã giúp đào tạo và cung cấp nguồn lực lao động công nghệ chất lượng cao.

Mai Ca
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục