|
Vừa qua, Startup Nerman trở thành đề tài được cộng đồng mạng và truyền thông "nhắc tới" nhiều qua chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 khi 3 nhà sáng lập 9X kêu gọi khoản đầu tư 500.000 USD đổi lấy 8% cổ phần và mong muốn tìm người đồng hành đưa sản phẩm của mình vươn ra chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á.
Kết quả là... Nerman đã gọi vốn thành công, nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD từ “Liên minh Phú - Bình” cùng với mục tiêu dẫn đầu thị trường Đông Nam Á trong 5 năm tới.
Startup Nerman được xây dựng và phát triển bởi các nhà sáng lập là Đặng Thanh Định giữ vị trí Tổng Giám đốc, Nguyễn Văn Nhật làm Giám đốc Điều hành chung và Hồ Xuân Hải làm Giám đốc Vận hành.
Phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có cuộc trò chuyện với đội ngũ Founder tài năng này.
Được thai nghén và hình thành từ năm 2019, Nerman ra đời với sứ mệnh xây dựng nên hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp dành riêng cho nam giới. Bên cạnh việc tạo nên những sản phẩm chất lượng, được đầu tư, nghiên cứu sản xuất dựa trên công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, Nerman còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, tích hợp trí tuệ nhân tạo AI vào quy trình dưỡng da.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 năm 2020 khiến dự án bị gián đoạn. Đầu năm 2021, ba nhà sáng lập trẻ lại bắt đầu niềm đam mê kinh doanh và đến hết quý 1/2022, Nerman đã có 150.000 khách hàng và bán ra hơn 330.000 sản phẩm với doanh thu trước thuế đạt 1,3 triệu USD. Dự kiến đến hết năm 2022, mức doanh thu sẽ là 10,2 triệu USD và tăng trưởng đều đặn từ 50 - 100% trong các năm tiếp theo.
Phóng viên: Xin chào các Founder của Nerman, ý tưởng kinh doanh đã đến với các bạn trong một dịp như thế nào?
Founder Đặng Thanh Định: Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc và làm đẹp cho bản thân, mình nhận thấy rằng, thị trường Việt Nam gần như không có thương hiệu nào đáp ứng được nhu cầu này, trong khi nhiều đối tượng khách hàng có thu nhập tốt cần những sản phẩm chất lượng cao. Do đó, mình nghĩ đây là thị trường khá “xanh” để phát triển.
Trước đây, bên mình làm về MarTech, cụ thể là influencer marketing, sử dụng ứng dụng công nghệ để phát triển doanh nghiệp trong hơn 2 năm. Dự án này đã gọi vốn thành công từ các quỹ và có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nên phải tạm dừng. Lúc đó, anh em ngồi lại với nhau để tìm kiếm một ý tưởng có thể sống trong đại dịch, tạo ra dòng tiền thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn vốn như các startup trước đây.
Thời điểm đó, theo mình, phương pháp B2C (business to customer – bán lẻ trực tuyến) là giải pháp có thể tạo ra dòng tiền nhanh nhất và đảm bảo cho doanh nghiệp.
Phóng viên: Được biết, Nerman đã có những bước tiến vượt trội vào đầu năm 2022 so với năm 2021. Điều gì khiến doanh nghiệp chỉ mới hơn 1 năm tuổi có sự tăng trưởng nhanh như vậy?
Founder Đặng Thanh Định: Năm 2021 do ảnh hưởng COVID-19, doanh thu của Nerman chỉ đạt 848.000 USD, lợi nhuận trước thuế 10%. Sang đến quý I/2022, lợi nhuận là 1,3 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 23%. Sự tăng trưởng nhanh như vậy là do đội ngũ Nerman đã đưa ra hai sự thay đổi chiến lược lớn. Thứ nhất là thay đổi chiến lược về sản phẩm giúp tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn. Thứ hai, thay vì phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì đội ngũ tập trung phát triển chiến lược thương hiệu, đưa những thông điệp tích cực đến với khách hàng nhiều hơn. Nerman đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khách hàng thông qua những chiến lược kể chuyện, đặc biệt khá thành công ở các dịp lễ khi tung ra các sản phẩm quà tặng “cá nhân hóa” thông điệp khách hàng. Bên cạnh đó, đội ngũ Nerman vẫn luôn tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng mới cho thương hiệu.
Founder Nguyễn Văn Nhật: Về sản phẩm, Nerman đầu tư vào chất lượng sản phẩm chứa nhiều tính năng, mang lại giá trị và trải nghiệm cho khách hàng. Đồng thời áp dụng những công nghệ đơn giản nhất, ví dụ như thiệp âm thanh - ghi âm giọng nói để truyền tải thông điệp đến người nhận, đặc biệt, ý tưởng lồng ghép yếu tố lịch sử vào sản phẩm quà tặng nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Ngay từ khi bắt đầu, Nerman đã truyền thông rất rõ ràng và tự hào là thương hiệu Việt Nam, việc cho ra đời ý tưởng về sử Việt nhằm truyền tải thông điệp lịch sử vào từng sản phẩm. Thông qua đó làm sống lại những câu chuyện lịch sử hào hùng, khơi dậy tình yêu đất nước, tôn vinh nguồn cội và lòng tự hào dân tộc.
Phóng viên: Khởi nghiệp là một chủ đề luôn được mọi người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải chuyện đơn giản và Founder cần xác định rằng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo các bạn, những yếu tố nào để làm nên một startup thành công?
Founder Đặng Thanh Định: Mình nghĩ rằng câu chuyện thất bại có tỷ lệ rất cao đối với các startup, để đạt được thành công phải trải qua rất nhiều thứ. Cá nhân mình có hai điều khiến bản thân không bao giờ bỏ cuộc: đam mê và đồng đội. Mình đã thích tự kinh doanh từ khi còn rất nhỏ. Năm 18 tuổi, mình làm cho FPT nhưng đến năm 20 tuổi thì quyết định nghỉ việc để startup. Lúc đó, mình đã xác định rất rõ ràng mục tiêu cho bản thân.
Bên cạnh đó, những người đồng đội cùng làm với mình rất quan trọng. Đôi khi thất bại khiến mình chán nản, nhất là những lúc nợ tiền, nhưng chỉ cần có người đứng bên cạnh nói với mình “tiếp tục đi, cùng làm đi”. Đó là động lực lớn nhất để mình có thể đi tiếp.
Founder Nguyễn Văn Nhật: Theo mình thấy, tại Việt Nam, khởi nghiệp theo phong trào khá nhiều. Các bạn trẻ chưa có sự chuẩn bị về tài chính lẫn kinh nghiệm, chỉ là đam mê và làm những gì mình thích, cũng chưa quan tâm tìm hiểu thị trường như thế nào và sản phẩm có thực sự cần thiết hay không. Điều đó cho thấy, đa phần xuất phát từ nhu cầu bản thân chứ không phải vì nhu cầu xã hội, nên các bạn chưa chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết, chưa có đội nhóm đầy đủ và vững chắc. Thế nên tỷ lệ startup không thành công ở Việt Nam cao hơn những nơi khác. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam còn khá hạn chế so với các nước tiên tiến khác, nên các bạn trẻ chưa tiếp cận được những kỹ năng cần thiết để startup. Mình hy vọng, Việt Nam sẽ có những hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cho các bạn trẻ trong tương lai.
Phóng viên: Thông thường, các doanh nghiệp mới startup đều mong muốn nhận được khoản đầu tư tốt để phát triển ý tưởng và công việc kinh doanh. Nerman đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh và thành công trong vòng gọi vốn tại Shark Tank. Các bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn và thu hút nhà đầu tư không?
Founder Nguyễn Văn Nhật: Gọi vốn sẽ có nhiều vòng và đối tượng, có 2 đối tượng chính là nhà đầu tư cá nhân và quỹ. Phần cơ bản đầu tiên của việc tài trợ là “Vốn khởi đầu” với vai trò cung cấp nguồn lực để thương mại hóa một sản phẩm hay dịch vụ. Ngoài nguồn vốn “tự lực cánh sinh”, còn có những nguồn tài trợ khác mà nhà sáng lập có thể tiếp cận (như các Quỹ hỗ trợ phát triển ở địa phương…), những nhà đầu tư thiên thần (cá nhân hay tập đoàn) hoặc một số ít các tổ chức đầu tư mạo hiểm nhiều tham vọng.
Ở giai đoạn đầu, nếu startup chưa khởi chạy, hoặc mới ra sản phẩm cơ bản chưa có doanh thu thì thường gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investor). Họ sẽ đầu tư cho tương lai, nhìn vào triển vọng của người sáng lập và sản phẩm. Sau đó, nếu startup muốn gọi vốn các vòng sau thì cần chứng minh được giá trị sản phẩm, triển vọng thị trường, có lượng người dùng (user) hoặc doanh số. Dựa vào giá trị người dùng hoặc doanh số tăng trưởng, các quỹ sẽ định giá dựa trên thực trạng doanh nghiệp và tiềm năng thị trường. Sau khi gọi vốn, nhà đầu tư sẽ tiến hành thẩm định DD (Due Diligence – thẩm định chuyên sâu) doanh nghiệp, thống nhất các điều khoản và KPI để giải ngân theo từng đợt đối với nhà đầu tư thuần đầu tư tài chính. Họ chỉ theo dõi chỉ số tăng trưởng và startup, còn nhà đầu tư có các hệ sinh thái để giúp đỡ sẽ tham gia hỗ trợ sâu hơn.
Phóng viên: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian chia sẻ!
Minh Ngọc
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|