Tại Tọa đàm “Triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức ngày 28/2, dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế về Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, trong quý IV/2022 vừa qua, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam bình ổn, tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ, GDP và tăng trưởng sản xuất dần trở lại mức trước đại dịch.
Các diễn giả tham gia Toạ đàm |
“Tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024”, ông Tim Leelahaphan nhận định.
Tuy nhiên, ông Tim Leelahaphan cũng lưu ý, trong ngắn hạn, vị thế nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam khá yếu, cán cân thương mại tiếp tục cải thiện song quá trình phục hồi có thể đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình thế giới. Lạm phát là mối lo ngại chính trong bối cảnh áp lực gia tăng. Dù vậy lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Ông Tim Leelahaphan dự kiến lạm phát năm 2023 tăng khoảng 6%.
"Nửa đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, nợ công, khôi phục lòng tin, song, chúng tôi cho rằng nửa cuối năm sẽ là thời điểm bùng nổ và nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ. Triển vọng kinh tế Việt Nam duy trì tích cực trong trung hạn", ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia của Standard Chartered cho biết thêm, Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Phát biểu tại Toạ đàm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, thế giới bước vào năm 2023 với những diễn biến tiếp tục phức tạp, tiếp tục đối mặt tình trạng đa khủng hoảng như lạm phát, xung đột và cạnh tranh chiến lược, các nguy cơ an ninh kinh tế... Bên cạnh đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ khả năng sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023.
Tuy vậy, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạc quan từ các nền kinh tế chủ chốt: Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, thị trường lao động Mỹ phục hồi, nguy cơ suy thoái giảm nhiệt; lạm phát đã đạt đỉnh tại một số nền kinh tế lớn, có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới; một số nền kinh tế chủ chốt có khả năng dần phục hồi từ cuối năm 2023; xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gia tăng các nguồn lực để đầu tư cho chuyển đổi năng lượng...
Trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen đó, Việt Nam tiếp tục ưu tiên duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững, tiếp tục là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam có triển vọng tương sáng trong trung và dài hạn, mang lại tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một ngân hàng quốc tế hàng đầu, chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tới”.
Quỳnh Lê -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|