SSI Research dự đoán BSR lãi 370 tỷ đồng tháng 7

(Banker.vn) Theo SSI Research, tại cuộc họp cùng chuyên viên phân tích gần đây, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tiết lộ trong tháng 7, BSR ước đạt 11.326 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Sản lượng tiêu thụ 7 tháng ước đạt 3,9 triệu tấn, doanh thu 98.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.300 tỷ đồng.

SSI Research dự đoán BSR lãi 370 tỷ đồng tháng 7
SSI Research dự đoán BSR lãi 370 tỷ đồng tháng 7

Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp báo cáo doanh thu 87.174 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ và thực hiện 95% kế hoạch năm; lãi trước thuế 12.930 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 12.251 tỷ đồng, cùng gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước.

Như vậy, riêng tháng 7, BSR ước đạt 11.326 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu tính theo số liệu trên báo cáo tài chính sau soát xét bán niên, mức lợi nhuận tháng 7 chưa tới 180 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều mức lãi hơn 3.000 tỷ đồng mỗi tháng trong quý II.

SSI Research cho rằng lợi nhuận của BSR đã đạt đỉnh trong quý II nhờ chênh lệch crack margin (sự chênh lệch giữa giá các sản phẩm tinh chế và giá dầu thô) tăng mạnh trong khi sản lượng tiêu thụ chỉ tăng nhẹ 1,3% lên 3,5 triệu tấn.

Trong nửa đầu năm, mức chênh lệch giá đã tăng từ trung bình 6,1 USD/thùng vào năm 2021 lên 11,2 USD/thùng vào quý I và 30 USD/thùng vào quý II. SSI Research nhận định các yếu tố tác động đến diễn biến này bao gồm nhu cầu xăng dầu phục hồi sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, một số nhà máy lọc dầu giảm công suất hoạt động trong thời kỳ Covid-19 và sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Tuy nhiên, sau khi khi đạt đỉnh vào tháng 6, chênh lệch giá trên các sản phẩm dầu mỏ đã giảm khoảng 60-70% xuống quanh 10 USD/thùng. SSI Research ước tính việc tăng/giảm 10 USD/thùng trong mức chênh lệch giá có thể dẫn đến tăng/giảm khoảng 3.500 tỷ đồng trong lợi nhuận ròng của BSR hàng quý.

Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng crack margin sẽ phục hồi trở lại trong thời gian ngắn nhưng khó quay lại đỉnh tháng 6.

Do vậy, lợi nhuận BSR thời gian tới được dự báo quay về mức bình thường. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kế hoạch tiêu thụ nửa cuối năm là 3,2 triệu tấn, lợi nhuận có thể cao hơn kế hoạch đề ra ở mức 738 tỷ đồng.

Về kế hoạch mở rộng, ban lãnh đạo BSR thông tin nhà máy hiện tại có thể hoạt động cao hơn công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn/năm. Trên thực tế, đã có thời kỳ nhà máy hoạt động ở mức 113-115% công suất thiết kế mà không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến hoạt động của nhà máy (sản lượng sản xuất của BSR đã đạt 7 triệu tấn, tương đương 108% công suất thiết kế, trong giai đoạn 2018-2019).

Vào năm 2023, công ty sẽ tạm dừng nhà máy để bảo trì trong khoảng thời gian 50 ngày từ tháng 6 đến tháng 8. BSR hiện có một dự án mở rộng mới đang trong quá trình xin phê duyệt của Chính phủ. Theo kế hoạch trước đây, dự án này sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2023, nhưng hiện tại chưa có khung thời gian tiến hành cụ thể.

Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2023.

MASVN kỳ vọng cổ phiếu BSR sẽ đạt 31.200 đồng/cp

Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhà máy có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước (năm 2022 dự báo cả nước tiêu thụ 20,6 triệu m3 xăng dầu tương ứng 18,4 triệu tấn).

Nguồn nguyên liệu hiện nay của BSR chủ yếu đến từ các mỏ dầu trong nước như Bạch Hổ, Heavy Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen và Chim Sáo. Doanh nghiệp thời gian qua đã tăng tỷ lệ dầu nhập khẩu đưa vào chế biến nhằm bổ sung cho sản lượng dầu thô Bạch Hổ và dầu nội địa khác đang suy giảm sản lượng. Đồng thời, việc mua được dầu nhập khẩu với giá cả hợp lý, nguồn cung dồi dào sẽ mang lại lợi ích tối đa cho BSR.

Sản phẩm đầu ra của BSR hầu hết thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho vận tải như đầu Diesel, xăng Mogas 92, xăng Mogas 95, 3 loại sản phẩm trên đóng góp khoảng 82% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2021 và quý I/2022.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, có đầu vào và đầu ra ổn định, tuy nhiên hoạt động kinh doanh xăng dầu của BSR chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá xăng dầu của thế giới, nhóm hàng hóa đang dao động với biên độ lớn trong khoảng thời gian gần đây. Trong đó, dầu thô với vai trò là sản phẩm tồn kho chính của BSR, dưới biến động giá dầu thế giới đã ảnh hưởng đến việc đánh giá lại hàng tồn kho của BSR trong mỗi kỳ báo cáo.

Cũng trong những tháng gần đây, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP), nơi đảm bảo 30-35% nguồn cung xăng dầu trong nước đã phải cắt giảm khoảng 20% sản lượng lọc dầu do vấn đề về tài chính. Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, BSR đã phải hoạt động vượt công suất để bù đắp lượng thiếu hụt. Dự kiến trong quý III tới, BSR sẽ tiếp tục vận hành hết công suất để đảm bảo cung ứng khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Cho cả năm 2022, MASVN dự phóng doanh thu cả BSR ở mức 182.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 13.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 103% so với thực hiện năm trước, tương ứng EPS đạt 4.352 đồng/cổ phiếu.

MASVN định giá BSR dựa theo P/E và P/B trung bình của doanh nghiệp, theo đó mức P/E trung bình được tham chiếu trong giai đoạn 2018 – 2019 (khi doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19) là 9,4 lần. Phương pháp P/B được thêm vào trước biến động lớn của giá dầu trong giai đoạn vừa qua. Mức P/B bình quân từ năm 2018 đến nay của BSR đạt 1,33 lần.

Kết hợp 2 phương pháp với tỷ trọng 50% mỗi phương pháp, MASVN kỳ vọng giá mục tiêu của cổ phiếu BSR trong 12 tháng tới sẽ đạt mức 31.200 đồng/cổ phiếu.

Ánh Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục