SSI hạ dự báo lợi nhuận năm 2021 của Vietcombank

(Banker.vn) Một trong những yếu tố khiến SSI Research hạ triển vọng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc ngân hàng đã tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng phía Nam.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) 8,1% so với dự báo trước đó xuống 24.300 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm ngoái).

Một trong những yếu tố khiến SSI Research hạ triển vọng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc ngân hàng đã tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng phía Nam.

Theo ước tính của Vietcombank, thu nhập lãi của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2021 trong đợt hỗ trợ này, nâng tổng số thiệt hại về thu nhập lãi lên 7.100 tỷ đồng sau 8 đợt hỗ trợ lãi suất từ năm ngoái đến nay.

Do đó, SSI Research đã giảm dự báo thu nhập lãi thuần của Vietcombank 1.000 tỷ đồng xuống còn 38.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho rằng do các biện pháp giãn cách xã hội có thể sẽ kéo dài hơn tại các tỉnh miền Nam, khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy giảm và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ tăng nhanh. Chi phí trích lập dự phòng của Vietcombank ước tính sẽ tăng thêm 1.000 tỷ lên 11.000 tỷ đồng

SSI Research cũng giả định rằng tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng này sẽ giảm 0,07 điểm % xuống 2,81% với chi phí tín dụng tăng 0,11 điểm % lên 1,22%.

Trong năm 2022, các chuyên gia của SSI cũng đã giảm ước tính lợi nhuận trước thuế 5,9% xuống còn 31.700 tỷ đồng (tăng 30,6% so với năm 2021) với giả định chi phí tín dụng tăng 0,2 điểm % lên 0,98%.

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích hạ giá mục tiêu 12 tháng đối với cổ phiếu VCB từ 113.500 đồng/cp xuống 111.500 đồng/cp. Giá mục tiêu dựa trên ước tính lợi nhuận bình quân năm 2021 - 2022 và hệ số P/B mục tiêu không đổi là 3,0x.

Theo SSI Reseach, yếu tố hỗ trợ tích cực có thể đến từ tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu thấp hơn dự kiến, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ được tái khởi động trong quý IV/2021 sau khi dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát. Mặt khác, rủi ro có thể từ tỷ lệ nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu cao hơn dự kiến.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục