Sóng giảm 2018 có lặp lại?

(Banker.vn) Có nhiều góc nhìn về đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong nước giai đoạn vừa qua khi so sánh với bối cảnh điều chỉnh của thị trường năm 2018.

Bức tranh kinh tế vĩ mô

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra những phân tích về bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo thấp hơn so với các dự báo được các tổ chức quốc tế đưa ra hồi đầu năm. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây áp lực lạm phát trên toàn cầu, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa.

Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc một lần nữa đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng áp lực tăng giá và giảm sản lượng. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã chuyển hướng chính sách và bắt đầu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát…

Bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn đã và đang gây áp lực tăng giá hàng hóa và làm giảm chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam. Lạm phát năm 2022 dự báo trong ngưỡng 4 - 4,5%.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS, bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán hiện tại có nhiều nét tương đồng với năm 2018. Thời điểm đó, Mỹ cũng kết thúc gói nới lỏng định lượng (QE) và bắt đầu tăng mạnh lãi suất. Sau chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức giảm 20% kể từ đỉnh.

Một điểm tương đồng nữa là năm 2018 xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, còn hiện nay căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine tác động mạnh đến kinh tế, chính trị và thương mại tòa cầu.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, có một điểm khác biệt ở Việt Nam trong hai giai đoạn này là năm 2018, nền kinh tế có sự phục hồi mạnh sau giai đoạn bơm tiền mạnh mẽ, còn hiện tại nền kinh tế vẫn chỉ ở giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong khi mức lạm phát hiện đang ở mức đáng báo động thì năm 2018 lạm phát lại tương đối thấp.

Bàn về câu chuyện lạm phát - yếu tố được ví như “kẻ thù của thị trường chứng khoán” - ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng, bức tranh lạm phát ở các nền kinh tế không hề giống nhau. Hiện lạm phát cao xảy ra ở Mỹ, khu vực châu Âu, nhưng tại khu vực Đông Á chỉ ở mức 1%, Trung Quốc là 2% và Việt Nam là 2,6%, tỷ lệ này ở Nhật Bản cũng thấp.

“Lạm phát Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và được dự phóng giảm dần từ nay đến cuối năm và giảm mạnh trong năm sau. Các tổ chức lớn của Mỹ đều có nhận định như vậy”, ông Phúc nói và dẫn chứng một số dữ liệu đáng tham khảo như giá xe hơi ở Mỹ đã giảm trong 3 tháng trở lại đây, giá thuê nhà giảm, tốc độ tăng lương ở Mỹ giảm, tuy nhiên giá dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng.

Giới chuyên gia cũng đồng thuận quan điểm khi cho rằng kinh tế Việt Nam chậm hơn một nhịp so với thế giới và đang đảm bảo xu hướng phục hồi trong năm 2022. Trong đó, hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung của Việt Nam, với triển vọng tăng trưởng GDP trong năm nay là 6 - 6,5%.

Các lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng đều có những tín hiệu rất tích cực. Điểm sáng nữa là Chính phủ chỉ đạo siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Ngân hàng Nhà nước tích cực triển khai tín dụng ưu đãi, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Xu hướng phục hồi sau Covid-19 là rõ ràng và khả quan khi GDP quý I/2022 đạt mức tăng trưởng 5,03%. GDP dự kiến tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2022, lạm phát ở trên mức 4%, phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn cũng liên tục chia sẻ những thông tin cho thấy trạng thái kinh tế và chính sách ở mỗi quốc gia là khác nhau trong giai đoạn “hậu Covid”. Đơn cử như gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục trở lại. Thậm chí, nước này còn bơm hẳn gói tín dụng có quy mô tới 5.000 tỷ USD, tương đương 25% GDP.

Triển vọng thị trường chứng khoán

“Lịch sử các lần kết thúc gói QE của Mỹ và điểm số S&P 500 đều ghi nhận giảm điểm. Bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đi ngang ở mức cao nhất trong lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ánh điều đó”, ông Sơn đúc kết và nhận xét, các đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay mang bóng dáng tương tự năm 2018.

Nhìn lại giai đoạn đó, VN-Index chứng kiến cú giảm sâu nhất là 27%, do ảnh hưởng từ chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, sau nhịp giảm này, chỉ số đã có đợt tăng 3 tháng liên tiếp từ cuối tháng 6 đến tháng 10. Đặc biệt, một sự đồng pha lớn có thể quan sát trên đồ thị là thị trường tạo đỉnh vào đầu tháng 4 trong cả năm 2018 và năm 2022.

Chỉ số VN-Index vừa có nhịp hồi khá tích cực từ vùng 1.160 điểm lên vùng 1.290 điểm. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý trong thời điểm hiện tại là thanh khoản khớp lệnh trên HOSE giảm. Dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng khi nhà đầu tư còn nghi ngờ nhịp tăng của thị trường là nhịp hồi mang tính kỹ thuật. Mức thanh khoản trong tháng 5 sụt giảm nghiêm trọng, loanh quanh ở vùng 16.000 - 17.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong các tháng kể từ đầu năm.

Đưa ra kịch bản cho thị trường, chuyên gia cho rằng, định giá hiện tại của chỉ số VN-Index vẫn ở mức hấp dẫn, với khoảng 11 lần. Nhìn lại lịch sử, không có nhiều thời điểm chỉ số P/E của thị trường về mức rẻ như vậy, do đó, chiến lược mua khi thị trường điều chỉnh vẫn nên được ưu tiên hàng đầu. Ông Sơn cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường:

Kịch bản 1, nếu nền kinh tế thế giới không suy thoái thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, mức đáy của VN-Index có thể là vùng 1.150 điểm - chân sóng C và hướng tới mức cao nhất 1.350 điểm và các đáy dần đều lên.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý thời điểm này, chiến lược phòng thủ cần được ưu tiên nên không thể mua cao bán cao hơn. Do đó, kế hoạch phù hợp trong nửa cuối năm là bán ở vùng kháng cự cao, mua khi thị trường quay về ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Kịch bản 2, thị trường có thể gặp khó khăn hơn khi dòng tiền bị thu hẹp bởi những chính sách thắt chặt của Fed, chân sóng C là vùng 1.068 điểm của VN-Index thì đáy thị trường được xác lập. Chỉ số này sẽ có những nhịp đi ngang ở vùng 1.200 điểm từ 6 - 8 tháng.

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, vốn nước ngoài vào mạnh và sau đó họ bán ra lớn, nhưng bối cảnh hiện nay rất khác.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital

Với những dữ liệu thu thập được, ông Lê Chí Phúc đưa ra quan điểm tích cực hơn. Cụ thể, nếu như đợt sụt giảm 2018, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh trên thị trường Việt Nam thì năm nay, nhà đầu tư nước ngoài không bán ròng, thậm chí mua ròng trong hơn 1 tháng trở lại đây. Khá nhiều giao dịch của họ ẩn trong giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán khi các công ty này thực hiện nghiệp vụ cho nhà đầu tư ngoại.

“Cuối năm 2017, đầu năm 2018, vốn nước ngoài vào mạnh và sau đó họ bán ra lớn, nhưng bối cảnh hiện nay rất khác. Hai năm Covid vừa qua, họ bán ròng rất lớn, nay có dòng vốn nước ngoài trở lại Đông Á. Tất nhiên, khi Fed tăng lãi suất, có một bộ phận nhà đầu tư rút vốn về nhưng lượng mua vào có thể trung hòa”, ông Phúc phân tích.

Ông Phúc cũng chia sẻ với nhà đầu tư quan điểm: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt 6,5% và năm sau còn có thể cao hơn. Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn là những đại diện xuất sắc của nền kinh tế. Ngay năm 2020, khi nền kinh tế chung bị ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19 thì EPS của nhóm doanh nghiệp này không bị suy giảm. Do đó, VN-Index từ đáy đi lên, chỉ quay về trung vị cũng có thể tăng 30%.

“Chúng tôi lựa chọn những ngành có độ tăng trưởng cao trong 3 - 5 năm tới, tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP cộng với lạm phát (trên 15%/năm) và tiếp theo là những doanh nghiệp có sự vượt trội trong ngành”, ông Phúc cho biết.

Hoàng Ly/ĐTCK

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục