Sông Đà Cao Cường (SCL) có gì khi "rục rịch" lên HOSE?

(Banker.vn) Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, HĐQT Công ty CP Sông Đà Cao Cường sẽ trình cổ đông thông qua phương án chuyển cổ phiếu SCL đang giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE)

Kết quả kinh doanh cùng cố phiếu "đua nhau" lập đỉnh

Về tình hình kinh doanh năm 2023, Công ty CP Sông Đà Cao Cường ghi nhận doanh thu đạt 473,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 2,7 lần năm 2022, lên mức 43,9 tỷ đồng. Đây đều là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này từng đạt được kể từ khi hoạt động.

Còn về diễn biến trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SCL đang có nhịp tăng nóng thời gian gần đây. Từ đầu năm 2024, thị giá SCL đã tăng gần gấp đôi lên mức 37.800 đồng/cp, cao nhất kể từ khi lên sàn tháng 9/2010. Vốn hóa thị trường của Sông Đà Cao Cường tương ứng hơn 700 tỷ đồng.

Sông Đà Cao Cường (SCL) có gì khi
Công ty CP Sông Đà Cao Cường (UPCoM: SCL)

Theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa mới được công bố, HĐQT Sông Đà Cao Cường đề xuất dùng gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (sau khi đã trích quỹ) để chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến sẽ phát hành thêm 3,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.

Bên cạnh cổ tức bằng cổ phiếu, HĐQT Sông Đà Cao Cường còn trình cổ đông thông qua phương án phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, SCL còn có kế hoạch phát hành 900.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho Người lao động trong Công ty (ESOP).

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức tại Hải Dương ngày 22/4 tới đây, SCL cho biết sẽ bố trí ăn, nghỉ (miễn phí) tại khách sạn Sao Đỏ cho các cổ đông đến từ hôm trước. Ngoài ra, cổ đông có nhu cầu thăm công ty (thăm nhà máy sản xuất, gặp trao đổi với lãnh đạo), Sông Đà Cao Cường sẽ bố trí sắp xếp.

Bên cạnh đó, Sông Đà Cao Cường cũng trình cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy tham vọng với doanh thu gần 862 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 64,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 82% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phá kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận trong một năm.

Diễn biến cùng chiều, Sông Đà Cao Cường sẽ trình cổ đông thông qua phương án chuyển cổ phiếu SCL đang giao dịch trên hệ thống giao dịch trên UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Thời điểm dự kiến nộp hồ sơ đăng ký niêm yết là trong năm 2024-2025. ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT và/hoặc chủ tịch HĐQT lựa chọn thời điểm phù hợp để nộp hồ sơ.

Sông Đà Cao Cường được thành lập ngày 17/4/2007 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng mới như tro bay, vữa khô trộn sẵn, keo dán gạch đá, keo chít mạch, gạch nhẹ chưng áp AAC; sản xuất thạch cao nhân tạo từ bã thải Gyps của nhà máy sản xuất phân bón DAP – Đình Vũ – Hải Phòng;…

Theo giới thiệu trên website công ty, Sông Đà Cao Cường hiện là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, chạy thử, đào tạo và chuyển giao công nghệ dây chuyền sản xuất tro bay từ tro xỉ phế thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, bằng công nghệ tuyển ướt và sấy khô đồng bộ.

Về cá nhân/tổ chức góp vốn vào Sông Đà Cao Cường, Công ty CP Công nghiệp Dịch vụ Cao Cường đang là tổ chức có tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại SCL, với 11,86%; tiếp đến sau đó là Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT với 10,94%; ông Nguyễn Anh Dũng với 5,47%; bà Kiều Thị Nhung với 7% và 64,73% còn lại do các đối tượng/tổ chức nhỏ lẻ nắm giữ, nổi bật là Công ty CP Sông Đà 12 và Tổng Giám đốc SCL Vũ Văn Chiến.

Từng bị thu hồi 500 triệu đồng

Năm 2023, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại Công ty CP Sông Đà Cao Cường trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.

Qua thanh tra, cho thấy công ty khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong 3 năm 2020, 2021, 2022 là 506.057.667 đồng, trong đó, năm 2020 nộp thiếu 237.459.548 đồng, năm 2021 nộp thiếu 280.631.275 đồng, năm 2022 nộp thừa 12.033.156 đồng.

Thanh tra tỉnh xác định, chi phí không hợp lý bị loại khi quyết toán thuế TNDN năm 2020 là 2.374.595.484 đồng, năm 2021 là 2.732.892.753 đồng và phát sinh tăng chi phí khi quyết toán thuế TNDN năm 2022 là 135.305.968 đồng.

Đáng chú ý, đối với các chi phí tương ứng với một số hóa đơn chưa đảm bảo về điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường khẳng định việc mua bán hàng hóa, dịch vụ đối với các hóa đơn nêu trên là có thật. Tại thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ, bên bán đang hoạt động bình thường, hóa đơn được lập trước thời điểm cơ quan quản lý thuế cập nhật trạng thái “người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Công ty đã loại khi hoàn thuế GTGT và đề nghị không loại các chi phí trên khi quyết toán thuế TNDN. Tuy nhiên, để phòng ngừa rủi ro về thuế, Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường đề nghị loại một số chi phí liên quan đến các hóa đơn khi quyết toán thuế TNDN.

Giải mã đà tăng giá bất ngờ của cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG)

Tính từ đầu tháng 2 tới nay, cổ phiếu QCG tăng tới 57%, mứ tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu họ Gia Lai (HAG, ...

Khối ngoại "quay xe" bán ròng trên HoSE, nhóm midcaps tiếp tục "hút tiền"

Chốt phiên giao dịch 08/04, khối ngoại trở lại bán ròng trên HoSE; ngược lại, nhóm này đang đầu tư mạnh vào nhóm cổ phiếu ...

“Trẻ hoá” ban điều hành, thành viên sáng lập của Bamboo Capital (BCG) “nhường ghế” cho tân Tổng Giám đốc 8x

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tùng Lâm vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thay cho ông Nguyễn Thế ...

Bá Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán