Sơn La: Quyết liệt đấu tranh với hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại

(Banker.vn) Cục Quản lý thị trường Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Sơn La: Xử lý trên 350 vụ, nộp ngân sách gần 700 triệu đồng Sơn La: Phạt nhà thuốc vi phạm quy định hành nghề dược 16 triệu đồng

Đa dạng giải pháp đấu tranh với hàng nhái hàng giả

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La, thời gian qua, tình hình hàng hoá trên địa bàn tỉnh diễn ra bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; giá cả các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm ổn định và tăng nhẹ so với ngày thường, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu hàng hoá và không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong hoạt động phòng chống hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử.

Do đó, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Sơn La đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua, bán hàng hóa qua thương mại điện tử, các trang mạng xã hội... các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng.

Sơn La: Quyết liệt đấu tranh với hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại
Cục Quản lý thị trường Sơn La tập trung kiểm tra các mặt hàng có nhu cầu lớn như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm đã qua chế biến.

Lực lượng Quản lý thị trường Sơn La tăng cường kiểm tra các mặt hàng có nhu cầu lớn như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm đã qua chế biến, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh gia súc, gia cầm… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường. Kịp thời phát hiện, trao đổi, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…

Đặc biệt, xu thế mua hàng của người dân đang có sự thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm gần đây và cả những năm tiếp theo với bất cứ mặt hàng nào, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh.

Thương mại điện tử cũng trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Môi trường online nếu không kiểm soát sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng và bản thân nền tảng mọi người mua online sẽ bị mất uy tín.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Sơn La đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động thẩm tra xác minh, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng, các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) sử dụng các thiết bị công nghệ di động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị chuyển phát, vận chuyển hàng hóa, xây dựng phương án kiểm tra đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý

Với những hoạt động kể trên, trong 2 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra 383 vụ, xử lý 351 vụ vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 679.250.000 đồng; trị giá hàng hoá tịch thu, tiêu huỷ 385.744.000 đồng.

Đơn cử, ngày 18/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Tin học Tuấn Hằng, có địa chỉ tại số 537, đường Lê Duẩn, tổ 2, phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La.

Qua kiểm tra, phát hiện tại cơ sở đang bày bán 2 chiếc máy vi tính xách tay do nước ngoài sản xuất, người đại diện của công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan để chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định. Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa nhập lậu, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm với tổng số tiền 60 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh và các cấp, các ngành về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, để chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý theo địa bàn để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ găm hàng, niêm yết giá; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, lương thực, thực phẩm…

Cục xác định, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua bán trực tuyến…

Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng khuyến cáo chủ sở hữu của các nhãn hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng cung cấp thông tin kịp thời để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh.

Gia Hân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục