Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững

(Banker.vn) Ngày 25/5, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội nghị Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La.
Sơn La: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ 2023 qua sàn thương mại điện tử Đưa nông dân Sơn La đến gần hơn với thương mại điện tử Nông sản Sơn La tiêu thụ tốt trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử là “dòng chảy tự nhiên” và “đích” đến của xã hội hiện đại

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, thương mại điện tử là “dòng chảy tự nhiên” và “đích” đến của xã hội hiện đại, nhận thức tầm quan trọng của thương mại điện tử trong lộ trình phát triển của địa phương, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đưa ra nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 1.957 doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế qua mạng; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt; các cơ sở kinh doanh tại trung tâm các huyện, thành phố đã áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; các hợp tác xã, hộ nông dân đã tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ hàng hóa nông sản; các sản phẩm, nông sản hàng hóa của Sơn La đã có mặt tại hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn trong nước.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững
Hội nghị định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc phát triển thương mại điện tử tại địa phương so với mặt bằng chung của cả nước còn khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, các mặt hàng của Sơn La chủ yếu là trái cây tươi, có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hỏng, giảm chất lượng nếu không có quy trình bảo quản, vận chuyển phù hợp.

Tuy nhiên, tỉnh chưa có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp đối với các loại hàng hóa nông sản khiến việc đưa mặt hàng trên lên các nền tảng thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các trang thương mại điện tử của tỉnh Sơn La mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng...

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc hội nghị

Ông Nguyễn Thành Công mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistic và các chuyên gia… để hỗ trợ tỉnh Sơn La phát triển thương mại điện tử bền vững trong thời gian tới.

“Con người” là yếu tố quyết định thành công của thương mại điện tử

Đồng tình với những ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số bày tỏ sự trăn trở về mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành một trong những động lực để phát triển kinh tế, xã hội tại Sơn La. Với vai trò là đơn vị tham mưu cho Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử nói chung và chuyển đổi số nói riêng, đại diện lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, sẽ cố gắng để kết nối, đưa các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân Sơn La tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả với thương mại điện tử, kinh tế số.

Bà Lại Việt Anh chia sẻ thêm, với hơn 20 cán bộ, chuyên gia đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Trường Đại học Thương mại và các doanh nghiệp cung cấp về nền tảng, giải pháp hàng đầu tại Việt Nam… “Chúng tôi đến đây để cùng tìm hiểu về những thế mạnh cũng như khó khăn cụ thể tại Sơn La, từ đó, đề xuất những giải pháp tổng thể, giúp Sơn La tìm ra cách làm hiệu quả, định hướng phát triển thương mại điện tử thời gian tới” - bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho hay, xét quy mô nền kinh tế internet phân theo quốc gia năm 2022, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Indonesia và Thái Lan nhưng được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ. Có được thành tựu như vậy là nhờ Nhà nước có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển minh bạch, bền vững thông qua Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Đồng thời, sự đồng hành, hưởng ứng, kết nối từ các địa phương đã giúp những chính sách, định hướng phát triển thương mại điện tử từ Chính phủ, Bộ Công Thương đến cuộc sống.

Bà Lại Việt Anh khẳng định, thương mại điện tử hay kinh tế số không phải chỉ có công nghệ số, nhờ công nghệ số mới thành công. Mấu chốt thành công của thương mại điện tử là vấn đề con người, là ý chí và nỗ lực để biến thành hành động cụ thể. “Doanh nghiệp, địa phương nào có lãnh đạo sát sao để phát triển thương mại điện tử, doanh nghiệp và địa phương đó mới tiến tới sự thành công” - bà Lại Việt Anh khẳng định.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kỳ vọng vào sự thành công của thương mại điện tử Sơn La trong thời gian tới. Bởi vì, mặc dù Sơn La còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, Sơn La sẽ có bước tiến mới trong phát triển thương mại điện tử, đưa những sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến với người tiêu dùng cả nước và bước đầu chinh phục thị trường nước ngoài.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững
Trao đổi về các định hướng cơ chế, chính sách phát triển thương mại điện tử

7 giải pháp cho thương mại điện tử tại Sơn La phát triển

Phân tích kỹ hơn về những khó khăn phát triển thương mại điện tử, từ đó đưa ra những giải pháp phát triển lĩnh vực này, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn Lan cho biết, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo tỉnh 7 giải pháp để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới:

Thứ nhất, xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Đặc biệt mở rộng, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tăng độ phủ sóng di động 4G, 5G. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công, trong đó chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code… từng bước khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về đơn vị sản xuất với các tiêu chí chính như: năng lực sản xuất, trình độ nhân sự, tình trạng ứng dụng các nền tảng và giải pháp,…

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho nông dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, bán hàng online. Cùng với đó xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, bao gồm nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý chuyên trách, thống kê, tư vấn hỗ trợ cũng như vận hành các mô hình kinh doanh thương mại điện tử.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện mô hình liên kết, kết nối giữa các cơ sở sản xuất với người mua hàng, cơ sở cung ứng dịch vụ logsictics thông qua các sàn thương mại điện tử.

Sơn La: Định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững
Các đại biểu tham quan gian hàng số trên sàn thương mại điện tử Postmart

Thứ tư, xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa tỉnh Sơn La một cách nhất quán, đồng bộ trên môi trường kinh tế số. Đồng thời, quản lý tốt quản lý chất lượng hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, củng cố và bảo vệ hình ảnh hàng hóa nông sản xanh, an toàn tỉnh Sơn La.

Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường tiêu thụ, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ giúp cho việc xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bằng các công cụ số của Sơn La hiệu quả hơn.

Thứ sáu, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc học hỏi tiếp cận với các hình thức kinh doanh mới trên không gian mạng. Chủ động liên kết hợp tác với đơn vị cung cấp các giải pháp thương mại điện tử. Đồng thời, chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế

Thứ bảy, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng như Sở Công Thương, Sở Thông tin & Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, Cục thuế tỉnh...; phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử. Hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái của thương mại điện tử mang lại đối với người tiêu dùng, xã hội.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục