Soi profile của “tân binh” sàn HOSE Siba Group: Thành viên hệ sinh thái Tân Long, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần

(Banker.vn) “Tân binh” của sàn HOSE - Công ty CP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Long của doanh nhân Trương Sỹ Bá. Trước doanh nghiệp này, Tập đoàn Tân Long đã từng đưa một thành viên khác trong hệ sinh thái niêm yết trên sàn HOSE, đó là Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam.
Soi profile của “tân binh” sàn HOSE Siba Group: Thành viên hệ sinh thái Tân Long, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Công ty CP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Long của doanh nhân Trương Sỹ Bá

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã công bố quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu đối với Công ty CP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group). Theo đó, 25 triệu cổ phiếu phổ thông của Siba Group có mệnh giá 10.000 đồng/cp, sẽ được giao dịch trên HOSE với mã chứng khoán SBG. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá tương ứng là 250 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 24/4/2023, Siba Group đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lên HOSE. Đây cũng là kế hoạch đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của doanh nghiệp này.

Thành viên thứ hai trong hệ sinh thái Tân Long tiến hành niêm yết

Theo tìm hiểu, Siba Group có tiền thân là Công ty CP Cơ khí Môi trường Việt Nam (VNEMEC), được thành lập ngày 12/2/2015 với số vốn điều lệ là 90 tỷ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại.

Ngày 29/10/2020, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Syba (Syba Group). Hơn 1 năm sau đó, ngày 24/12/2021, Syba Group thực hiện phát hành riêng lẻ cổ phần, nhằm huy động 60 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 150 tỷ đồng. Quá trình tăng vốn được hoàn tất vào ngày 14/1/2022.

Ngày 21/2/2022, doanh nghiệp này tiếp tục đổi tên gọi. Thay đổi lần này khá nhỏ, chuyển chữ “y” trong “Syba” thành chữ “i”. Cái tên Siba Group ra đời và được giữ nguyên cho tới nay.

Cuối năm đó, để thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ngày 12/12/2022, Siba Group thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) với số lượng cổ phiếu phát hành là 10 triệu đơn vị, qua đó trở thành công ty đại chúng. Ngày 3/1/2023, Siba Group công bố nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp, chính thức hoàn tất cú tăng vốn, nâng vốn điều lệ lên mức 250 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 1,67 lần.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Siba Group, tại thời điểm ngày 30/9/2023, doanh nghiệp có hai cổ đông lớn là Công ty CP Siba Holdings nắm 55,6% vốn điều lệ và ông Nguyễn Văn Đức nắm 6,06% vốn điều lệ. Còn lại 38,34% vốn điều lệ thuộc sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ khác.

Soi profile của “tân binh” sàn HOSE Siba Group: Thành viên hệ sinh thái Tân Long, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Cơ cấu cổ đông của Siba Group

Đáng chú ý, Siba Holdings - cổ đông lớn nhất của Siba Group là một “mảnh ghép” trong hệ sinh thái của doanh nhân Trương Sỹ Bá. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này được thành lập ngày 14/10/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Cổ đông sáng lập Siba Holdings gồm có 3 người là ông Trương Sỹ Bá, ông Nguyễn Văn Phú và bà Lưu Ngọc Trâm.

Trong đó, ông Trương Sỹ Bá là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 98%, cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện tại Siba Holdings. Doanh nhân này cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Tập đoàn Tân Long và Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF). Bên cạnh đó, Siba Holdings cũng có cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh với Tập đoàn Tân Long.

Như vậy, Siba Group được xem là một đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Long và cũng là thành viên thứ 2 trong hệ sinh thái này niêm yết trên sàn chúng khoán.

Hiện tai, HĐQT của Siba Group gồm có 5 người. Trong đó, ông Nguyễn Văn Phú là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Đức là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, ông Phan Lê Hoàng Trnug là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, ông Trần Ngọc Long là Thành viên HĐQT độc lập và bà Phan Hồng Vân là Thành viên HĐQT không điều hành. Đáng chú ý, trong số 3 thành viên thường trực, chỉ có ông Nguyễn Văn Đức là người đã gắn bó với Siba Group từ ngày đầu thành lập. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phú và ông Phan Lê Hoàng Trung đều là lãnh đạo của công ty mẹ là Siba Holdings.

Cũng cần nói thêm, mối liên hệ giữa Siba Group và Tân Long không chỉ được thể hiện qua dàn lãnh đạo cấp cao của Siba Holdings mà còn được ghi nhận một cách rất rõ ràng tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, giữa Siba Group và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Long ghi nhận rất nhiều các khoản phải thu và phải trả.

Soi profile của “tân binh” sàn HOSE Siba Group: Thành viên hệ sinh thái Tân Long, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Mối liên hệ giữa Siba Group và Tân Long còn được thể hiện qua các giao dịch được ghi nhận tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Siba Group làm ăn ra sao trước khi ra mắt sàn HOSE?

Sau hơn 7 năm hình thành và phát triển, Siba Group đã trở thành một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành. Bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là cơ khí chế tạo – xây lắp, Siba Group còn “đá chéo sân” sang lĩnh vực năng lượng (khai thác điện mặt trời áp mái), thương mại và cung cấp dịch vụ (kinh doanh ngô và khoáng sản).

Đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, với mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí công nghệ cao tại châu Á, năm 2019, Siba Group đã khởi công xây dựng mạng lưới cơ khí công nghệ cao hiện đại trải dài khắp đất nước. Năm 2020, doanh nghiệp này “tiến công” vào địa hạt năng lượng với việc thành lập Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch VMECO Bạc Liêu và Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch VMECO Đồng Tháp. Năm 2022, Siba Group tiếp tục thành lập công ty con khác là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sibacons.

Về kết quả kinh doanh của Siba Group, sau khi đạt mức kỷ lục 6,957 tỷ đồng vào năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp đã “đi lùi” 2 năm liên tiếp. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn chứng kiến mức tăng trưởng đột biến. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt hơn 15 tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt gần 38 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần năm 2021.

Bước sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Siba Group cũng đầy triển vọng. Doanh thu thuần đạt gần 3.094 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Con số này tương ứng 77% doanh thu cả năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 31,41 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ, cao gần bằng khoản lãi thu được trong năm 2023.

Soi profile của “tân binh” sàn HOSE Siba Group: Thành viên hệ sinh thái Tân Long, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Hoạt động kinh doanh của Siba Group ngày càng cải thiện

Nhìn chung, trong gần 5 năm trở lại đây, Siba Group làm ăn ngày càng hiệu quả khi liên tục cải thiện về biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Nếu như năm 2019, biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 0,11%, còn biên lợi nhuận ròng chỉ dừng lại ở mức 0,04% thì tới 9 tháng đầu năm 2023, biên lợi nhuận gộp đã lên tới 2,42% và biên lợi nhuận ròng đã đạt 1,02%.

Đáng chú ý, mặc dù được định vị là một tập đoàn cơ khí nhưng doanh thu của Siba Group được cấu thành chủ yếu bởi doanh thu từ hoạt động thương mại, mà cụ thể là hoạt động bán ngô hạt. Trong khi đó, doanh thu bán thành bán thành phẩm và dịch vụ cơ khí công nghệ cao chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Tuy nhiên, hoạt động bán ngô hạt lại không mang về lợi nhuận tốt bằng các mảng cơ khí chế tạo – xây lắp và năng lượng, thậm chí đang có xu hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp cả về doanh thu và lợi nhuận.

Soi profile của “tân binh” sàn HOSE Siba Group: Thành viên hệ sinh thái Tân Long, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Sự đóng góp của các mảng kinh doanh vào doanh thu và lợi nhuận của Siba Group

Những chuyển biến này cũng trùng khớp với định hướng kinh doanh của Siba Group. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, Siba Group sẽ tập trung vào ngành mũi nhọn là công nghiệp cơ khí chế tạo và cụ thể là chế tạo sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp này càng chú trọng ứng dụng những thiết bị hiện đại vào ngành nông nghiệp để tối ưu hoá quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nâng cao năng suất thì đây là một thị trường đầy tiềm năng và có nhiều dư địa để phát triển.

Về tình hình tài chính, trước thời điểm niêm yết HOSE, trong 9 tháng đầu năm nay, tài sản của Siba Group ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh, ở mức 44%, từ hơn 2.105 tỷ đồng còn 1.178 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng một nửa so với đỉnh cao 2.328 tỷ đồng cuối năm 2020.

Trong đó, ba khoản mục khiến tổng tài sản của Siba Group sụt giảm mạnh nhất là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng (giảm 49%, xuống còn 635,5 tỷ đồng), hàng tồn kho (giảm 62%, xuống còn 163 tỷ đồng) và tiền (giảm 88%, xuống còn gần 10 tỷ đồng). Trong cơ cấu tài sản, phải thu ngắn hạn khách hàng vẫn chiếm tỷ trọng cao với gần 54%.

Về cơ cấu nguồn vốn, tại ngày 30/9/2023, Siba Group vay nợ dài hạn 67,4 tỷ đồng và nợ ngắn hạn 32,8 tỷ đồng. Đối tác cung cấp tín dụng chính là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chi nhánh Hàn Thuyên. Đây cũng là đối tác cấp vốn lớn cho doanh nghiệp cùng hệ sinh thái là BaF Việt Nam.

Tổng vốn chủ sở hữu của Siba Group ghi nhận cuối quý III đạt 429,7 tỷ đồng. Trong đó lãi chưa phân phối 87,3 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 79,8 tỷ đồng.

25 triệu cổ phiếu SBG của Siba Group được chấp thuận niêm yết trên HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa chấp nhận niêm yết 25 triệu cổ phiếu SBG của Công ty CP Tập đoàn Cơ khí ...

Cổ đông lớn nhất Nông nghiệp BaF dự chi hơn nửa nghìn tỷ đồng gom cổ phiếu BAF

Công ty CP Siba Holdings vừa thông báo đăng ký mua thêm hơn 24,6 triệu cổ phiếu BAF của Công ty CP Nông nghiệp BaF ...

Việt Nam trúng thầu xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo sang Philippines

TBCKVN - 5 công ty tư nhân tại Đông Nam Á, trong đó có công ty Việt Nam vừa thành công trong phiên đấu thầu ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán