Sôi động mùa chia cổ tức ngân hàng, “bão” cổ phiếu sắp đổ bộ sàn chứng khoán

(Banker.vn) Thông thường, 6 tháng cuối năm chính là thời điểm để các ngân hàng chạy đua hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn của mình. Cùng với làn sóng tăng vốn, chia cổ tức, hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng dự kiến "dội" sàn chứng khoán trong các tháng tới. Đây vừa là rủi ro cũng vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9/2023, thị trường giá cổ phiếu OCB dừng ở mức 22.500 đồng/cp. Tăng hơn 20% so với vùng đáy gần nhất (21/8/2023) - mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung, cùng với đó là thanh khoản cao đột biến so với thông thường cho thấy sức hút của mã cổ phiếu này đối với các nhà đầu tư.

Tính tới ngày 13/09/2023 thì OCB đã có 11 phiên tăng giá liên tiếp - mạch tăng giá dài nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này trên sàn HOSE kể từ năm 2020.

Bên cạnh đó, OCB vừa công bố kế hoạch thực hiện phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Theo đó, OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, từ đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành là ngày 20/9/2023

Trước đó OCB đã đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB)

Sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/09/2023, thị trường giá cổ phiếu dừng ở mức 25.400 đồng/cp.

Vào ngày 7/9 Eximbank đã quyết định thông qua ngày đăng ký cuối cùng là 25/9/2023 để cổ động thực hiện quyền nhận cổ tức 18% bằng cổ phiếu. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 22/9/2023

Ngân hàng cũng thông báo sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đã 2.656 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ được nâng lên mức 17.569 tỷ đồng.

Được biết Eximbank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG)

Sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/09/2023, giá cổ phiếu của CTG dừng ở mức 32.550 đồng/cp, tăng nhẹ 0,77% so với giá mở cửa.

Mới đây Hội đồng quản trị VietinBank đã phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông quá phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2020

VietinBank dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu tương đương 5.643 tỷ đồng để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới). Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III – quý IV/2023.

Hiện tại, VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ dự kiến là 22,96%. Tính ra, vốn điều lệ khi phát hành thành công có thể lên đến con số là 66.030 tỷ đồng.

Được biết nếu hoàn thành tất cả các kế hoạch tăng vốn điều lệ đã đề ra trong năm 2023 thì ViettinBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 2 hệ thống.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB)

Sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9/2023, thị trường giá cổ phiếu dừng ở mức 22.450 đồng/cp, tăng 0,67% so với phiên trước đó.

Được biết VPBank là ngân hàng hiếm hoi có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, VPBank dự kiến sẽ chi gần 8.000 tỷ đồng từ lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Theo bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc thường trực VPBank, việc tiến hành chi trả cổ tức cho cổ đông sẽ được thực hiện muộn nhất là quý III.

Nhận định trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với kịch bản phần lớn hoạt động kinh tế sẽ hồi phục từ cuối năm 2023 và khả quan trong năm 2024 thì cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng về giá ở mức P/B hiện tại.

Theo các chuyên gia của VDSC, định giá ngành đã phục hồi tương đối sau khi có hướng tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Mức P/B hiện tại của ngành ngân hàng tương đương giai đoạn 2016 - 2017 khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng.

Do vậy, VDSC kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn để nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.

Theo đó, chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp giúp rủi ro nợ xấu tăng cao ở một số ngân hàng thương mại được trì hoãn và có thể không hiện thực hóa.

Trúc Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán