Số tài khoản chứng khoán mở mới giảm mạnh trong tháng 8, thấp nhất kể từ tháng 11/2021

(Banker.vn) Cùng với việc sụt giảm đáng kể lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại vị thế bán ròng trong tháng 8 với giá trị 773 tỷ đồng. Các cổ phiếu nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất gồm MSN, PVD, VPB, SSI, VNM...
Số tài khoản chứng khoán mở mới giảm mạnh trong tháng 8, thấp nhất kể từ tháng 11/2021

Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 8 vừa qua, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở mới đạt 155.456 tài khoản, con số này giảm 22% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 8 là 199.562 tài khoản và giảm 3 lần so với kỷ lục đạt được vào tháng 5/2022 (476.000 tài khoản).

Trong đó, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 154.916 tài khoản, giảm 22,1% so với con số của tháng 8 mở mới 198.988 tài khoản. Tính đến cuối kỳ, tổng số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 6,4 triệu tài khoản. Giả sử mỗi nhà đầu tư cá nhân mở một tài khoản thì với dân số hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân có tài khoản chứng khoán đạt 6,4%.

Nhà đầu tư tổ chức trong nước mở mới 201 tài khoản lũy kế đến cuối tháng 8 là 14.188 tài khoản.

Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở mới lần lượt 286 tài khoản và 53 tài khoản, lũy kế đến cuối tháng 8/2022 con số tài khoản lần lượt là 37.860 tài khoản và 4.239 tài khoản.

Cùng với việc sụt giảm đáng kể lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại vị thế bán ròng trong tháng 8 với giá trị 773 tỷ đồng. Các cổ phiếu nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất gồm MSN, PVD, VPB, SSI, VNM và ngược lại cổ phiếu được mua nhiều nhất là MSB, VSC, MWG, DGC, TLG.

Các nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng tháng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, giá trị giao dịch có xu hướng thu hẹp khi giá trị giao dịch ròng là -386 tỷ đồng trong tháng Tám.

Tuy nhiên, lại có sự thay đổi tích cực về thanh khoản. Thanh khoản thị trường đã cải thiện mạnh cùng với điểm số sau trạng thái cạn kiệt do lực bán suy yếu ở tháng 7, một phần đến từ việc nhà đầu tư đẩy mạnh giao dịch trở lại và kỳ vọng chu kỳ thanh toán T+2 chính thức được vận hành.

Bình quân một phiên, giá trị giao dịch tháng 8 đạt 14 nghìn tỷ đồng tăng 40% so với tháng trước nhờ giao dịch quay lại đáng kể với mức tăng thanh khoản 34% trên nhóm VN30, 46% trên nhóm VNMidcap và vượt trội hơn là 72% trên nhóm VNSmallcap. Thanh khoản bình quân trên HOSE trong 8 tháng đầu năm ghi nhận ở mức 19,4 nghìn tỷ đồng/phiên, còn thấp hơn khoảng 10% so với mức ở năm 2021.

Tín hiệu dòng tiền cải thiện còn được nhìn thấy ở thanh khoản gia tăng trên diện rộng ở tất cả các nhóm ngành. Hai ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn là Ngân hàng và Bất động sản có GTGD tăng tương ứng 20,3% và 28,4% so với tháng trước. Thanh khoản tăng thấp nhất 16% ở nhóm Cảng & Vận tải biển và cao nhất 122% ở nhóm Mía đường. Một số ngành khác cũng được giao dịch sôi động hơn rất nhiều so với tháng trước như Thép (+76,6%), Dầu khí (+45%), Chứng khoán (+39%), Khu công nghiệp (+76%), Tiêu dùng nhanh (+49%), Bán lẻ (+32%), Cao su tự nhiên (+70,8%).

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục