Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới "tụt dốc": Nguyên nhân vì đâu ?

(Banker.vn) Trong tháng 7/2022, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước giảm mạnh so với tháng trước đó, vậy đâu là nguyên nhân?
Gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán được mở trong 6 tháng đầu năm 2022

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm hơn 50%

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước đã mở mới ròng trong tháng 7 là 199.128 đơn vị, giảm 58% so với tháng 6. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mở mới 198.988 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức mở 140 tài khoản. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước thậm đã đóng 3.279 tài khoản chứng khoán trong tháng 7.

Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2022, cá nhân trong nước mở mới ròng hơn 2,04 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 33,4% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.

Bên cạnh đó, lượng tài khoản mở mới ròng của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 7 đạt 81 đơn vị, giảm 41% so với tháng trước. Tính hết tháng 7, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 6,3 triệu, tương đương hơn 6,4% dân số. Có thể nói, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khá ấn tượng, kéo theo đó là số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã tăng mạnh mẽ.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong các tháng tổng hợp từ VSD (ảnh Internet)

Có thể nói, tính theo tỷ lệ người dân mở mới chứng khoán đến hiện tại đã tương đương 6,4%. Đáng chú ý, Đề án xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.

Tuy nhiên, nếu so với các thị trường trong khu vực thì tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều. Ước tính Đài Loan hơn 90% dân số và Thái Lan có khoảng 8% dân số có tài khoản chứng khoán.

Đáng chú ý, trong tháng 7, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài là 408 đơn vị, tăng 52,8% so với tháng 6. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 385 tài khoản chứng khoán, tăng 44%. Lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài tăng thêm 23 đơn vị. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 7 đạt 41.793.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán trong nước đang có diễn biến lệch pha giữa số tài khoản giao dịch mở mới với biến động các chỉ số chung, đặc biệt là chỉ số VN-Index. Hồi tháng 5-6 trước đó, khi số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới cao kỷ lục (trên 400.000 tài khoản/tháng), chỉ số VN-Index lại giảm mạnh xuống dưới vùng 1.300 điểm và 1.200 điểm, tương đương mức giảm ròng hơn 5% và 7% ở mỗi giai đoạn.

Sau giai đoạn này, chỉ số VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 ở mốc 1.206,33 điểm, tăng 0,73% so với tháng 6 thì số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Thanh khoản giảm mạnh

Trong tháng 7, song song với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm mạnh thì mức thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh không kém. Giá trị giao dịch bình quân của cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCOM giảm 24,1% so với tháng trước.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 11.502 tỷ đồng (-20,84%) và 492,9 triệu cổ phiếu (-10%) so với tháng 6. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 10,3 tỷ cổ phiếu (-14,1%) và đạt 241.545 tỷ đồng (-24,4%) so với tháng 6.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt 1,3 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 65 triệu cổ phiếu/phiên (-17%), giá trị giao dịch đạt hơn 1.286 tỷ đồng/phiên (-28%) so với tháng 6.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm mạnh tỷ lệ thuận với số lượng tài khoản mở mới giảm (ảnh minh họa)

Thị trường UPCOM trong tháng 7/2022 cũng giảm mạnh về thanh khoản. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 44,88 triệu cổ phiếu/phiên (-25,77%), giá trị giao dịch đạt hơn 742 tỷ đồng/phiên (-39,44%) so với tháng 6.

Thông tin cho thấy, các nhà đầu tư cũng hạn chế sử đụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Theo dữ liệu của VnDirect, cho vay ký quỹ tại 20 công ty chứng khoán giảm mạnh xuống còn 122.886 tỉ đồng, giảm 22% so với quý trước.

Dữ liệu cũng cho thấy tiền gửi giao dịch của nhà đầu tư tại top 10 công ty chứng khoán giảm 4.833 tỉ đồng (giảm 8,8% so với cùng kỳ) xuống còn 50.276 tỉ đồng vào cuối quý II/2022. Số dư tiền gửi giao dịch của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm nhẹ trong quý II/2022.

Nhà đầu tư lo ngại gì ?

Lý do khiến tài khoản chứng khoán mở mới của các nhà đầu tư giảm mạnh, cũng như nhà đầu tư đã có tài khoản hạn chế giải ngân vào thị trường cũng chịu ảnh hưởng của rất nhiều nguyên nhân.

Đặc biệt, xu hướng số lượng tài khoản giảm mạnh cùng với thanh khoản thị trường cũng suy giảm cũng xảy ra trong thời điểm liên quan đến nhiều yếu tố vĩ mô, chính sách thắt chặt tiền tệ. Đáng chú ý, trong thời gian qua, hoạt động tín dụng bị thắt chặt, đặc biệt đối với một số lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán.

Bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế vĩ mô trên thế giới cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong 6 tháng cuối năm 2022, các yếu tố rủi ro như biến lạm phát tại Mỹ, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cũng như khả năng suy thoái tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Các yếu tố rủi ro này có thể làm tăng trưởng xuất khẩu giảm, từ đó gây áp lực lên tiền VNĐ trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát gia tăng.

Theo nhận định của SSI, nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao. Diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. Nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ vốn thuộc nhóm nhà nước quản lý về giá như điện, nước, giáo dục, y tế… có thể sẽ chịu áp lực tăng giá. “Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi rủi ro lạm phát giảm dần”, SSI nhận định.

Theo ghi nhận, thời gian qua thị trường chứng khoán sau quá trình tăng rồi lại giảm mạnh rồi tích lũy trở lại. Các nhà đầu tư cho rằng, trong tháng 7, thị trường chứng khoán vẫn chỉ trong giai đoạn tích lũy chứ chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, thị trường vẫn đang đi ngang, tích lũy nên chỉ giải ngân tỷ lệ vốn rất ít và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.

Trước đó, có thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư lãi lớn, khiến đám đông “đổ xô” đi mở tài khoản chứng khoán mới. Tuy nhiên, sau khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư thua lỗ, người ta mới nhận ra, kiếm tiền trên thị trường chứng khoán không dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những e ngại trên thì thị trường chứng khoán vẫn có những những tín hiệu khả quan trong tháng 8/2022, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index đạt 1254,15 điểm, thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bắt đầu giao dịch với khối lượng lớn hơn. Đáng chú ý, các nhà đầu tư trong nước vẫn giữ một lượng tiền mặt lớn tại các công ty chứng khoán. Điều đó cho thấy, dòng tiền vẫn chưa “thoái lui” khỏi thị trường mà đang nằm chờ đợi tín hiệu tích cực để giải ngân.

Thái Tào

Theo: Báo Công Thương