Số hóa kênh bán lẻ: Chìa khóa 'vàng' trong kỷ nguyên mới

(Banker.vn) Thời gian qua, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng việc số hóa các kênh phân phối, bán lẻ, coi đó là chìa khóa "vàng" trong kỷ nguyên mới.
Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ thống phân phối bán lẻ Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'? Triển vọng nào cho ngành bán lẻ trong năm 2025?

Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chú trọng số hóa kênh phân phối, bán lẻ

Theo TS. Tô Thị Thùy Trang, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, xu thế số hóa kênh phân phối, bán lẻ tại thành phố gần đây cho thấy, các đơn vị sản xuất kinh doanh đang chú trọng kết nối và gắn kết mối quan hệ trực tiếp mạng lưới điểm bán lẻ.

Dựa trên cơ sở này, đơn vị sản xuất kinh doanh tập hợp thông tin của khách hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chiến lược chuyển đổi số trong phân phối, bán lẻ. Chuyển đổi số giúp đơn vị sản xuất kinh doanh giảm chi phí, tối ưu hoạt động… dựa trên cơ sở dữ liệu là làn song đang lan tỏa trong ngành phân phối, bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, việc lựa chọn số hóa ở khâu nào trong chuỗi phân phối, bán lẻ để tạo ra mô hình kinh doanh hiệu quả, nhất là khai thác thị trường bán lẻ trên sàn thương mại điện tử đang là câu hỏi lớn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Số hóa kênh bán lẻ: Chìa khóa 'vàng' trong kỷ nguyên mới
Các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng việc số hóa kênh phân phối, bán lẻ - (Ảnh: Co-opmart).

TP. Hồ Chí Minh có hệ thống điểm bán hàng được phân bố rộng khắp trên địa bàn, bao gồm khoảng 2.357 siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi; 232 chợ dân sinh và 28.700 cửa hàng bách hóa. TP. Hồ Chí Minh hiện có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn.

Các kênh bán lẻ truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hóa chiếm khoảng 75%, trong khi đó các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chỉ chiếm khoảng 25%. Dư địa phát triển của ngành này ở kênh phân phối hiện đại vẫn còn nhiều. Ngoài ra còn có kênh Horeca (Hotel, Restaurant và Cà phê). Đây là những kênh người tiêu dùng có thể ăn, uống và được phục vụ tại chỗ.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh giảm chi phí, tối ưu hoạt động… dựa trên cơ sở dữ liệu đang là làn sóng lan tỏa trong ngành phân phối, bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh.

Thực tế đang có ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu từ thương mại điện tử lên đến 30%. Bên cạnh đó, sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp thể hiện ở khả năng kết nối người tiêu dùng đầu cuối vì bản chất của sàn thương mại điện tử cũng chỉ là nơi để bán hàng.

Trong xu thế số hóa kênh phân phối, bán lẻ cũng có thể thấy gần đây đơn vị sản xuất kinh doanh đang chú trọng kết nối và gắn kết mối quan hệ trực tiếp với cửa hàng, nhất là tập hợp được thông tin của khách hàng cá nhân để có cơ sở dữ liệu.

“Khi các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển xu hướng đa kênh phân phối, bán lẻ khác nhau sẽ có những dòng sản phẩm khác nhau, trong đó, với đa phần mạng lưới truyền thống thị những mặt hàng cao cấp thường không phải là xương sống của đơn vị kinh doanh. Hay đối với nhóm mặt hàng mới, đơn vị sản xuất kinh doanh phổ biến đẩy lên sàn thương mại điện tử nhiều hơn và chấp nhận chi phí đầu tư cao trên kênh này ”, TS. Tô Thị Thùy Trang khẳng định.

Làm gì để số hóa kênh phân phối, bán lẻ hiệu quả?

Để số hóa các kênh phân phối, bán lẻ được hiệu quả, TS. Tô Thị Thùy Trang, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường bằng giải pháp đa kênh bán hàng, hay đồng bộ hệ thống phân phối đa kênh không thể không chuyển đổi số trong phân phối, bán lẻ; Cần chú trọng hoạt động marketing kể cả kênh truyền thống và hiện đại, bởi đó là điểm tạo ra sự lan tỏa sản phẩm tốt ra bên ngoài, cụ thể như: Livestream bán hàng, Video/clip quảng cáo trên Facebook, YouTube, Website, TikTok...

Số hóa kênh bán lẻ: Chìa khóa 'vàng' trong kỷ nguyên mới
Người dân tại chợ Tân Định - quận 1 - TP. Hồ Chí Minh thực hiện thanh toán không tiền mặt - (Ảnh: Văn Phúc).

Đối với chợ dân sinh, cần tăng tính hấp dẫn cho chợ thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng của chợ, phát triển chợ gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm như chợ phiên, tổ hợp siêu thị... kết hợp trải nghiệm văn hóa, có khu vực miễn thuế, làm nóng thực phẩm, thử món ăn, dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cho du khách... nhằm mục đích giữ chân khách du lịch ở lại chợ lâu nhất có thể; gắn hoạt động chợ với nét văn hóa của địa phương.

Tăng tính cạnh tranh cho chợ: xem xét hỗ trợ giảm thuế cho tiểu thương, tổ chức các chương trình khuyến mãi và ưu đãi, hình thành các tuyến đường chuyên doanh, hình thành một hoạt động truyền thống cố định của chợ. Mỗi ban quản lý chợ là cầu nối quảng bá thương hiệu và các hoạt động của chợ. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong thanh toán không tiền mặt và giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm để bảo vệ các tiểu thương ở chợ trước các sản phẩm kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng khi mua sắm.

Đồng thời, cần tăng cường bảo vệ tiểu thương kinh doanh tại chợ, cần quản lý và quy hoạch hợp lý cho các khu vực buôn bán, đảm bảo rằng các tiểu thương có vị trí cố định, không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động buôn bán trái phép xung quanh.

Cần có các chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử và kênh bán lẻ hiện đại nhằm tạo sân chơi công bằng, bảo vệ các thương nhân trong nước và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa.

Các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số phân phối, bán lẻ có ứng dụng những chìa khóa cốt lõi như tối đa hóa quy mô với kênh online, thương mại điện tử, tối đa hóa lợi nhuận với khách hàng trung thành và kênh chủ sở hữu; sở hữu năng lực am hiểu khách hàng đa kênh, đa nền tảng, sở hữu năng lực quản trị trải nghiệm khách hàng và tăng trưởng trên những phân khúc khách hàng ưu tiên.

Đặc biệt, dữ liệu khách hàng là hành trình mà đơn vị sản xuất kinh doanh cần phải xây dựng cơ chế và đào tạo, bồi dưỡng để nâng tầm đội ngũ cán bộ, nhân viên tương xứng.

Diệu Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục