“So găng” quy mô tổng tài sản các ngân hàng trong quý I/2022

(Banker.vn) Theo khảo sát, BIDV là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống với hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2021.

Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng đã có kết quả báo cáo tài chính quý I/2022 ghi nhận nhiều kết quả khả quan hứa hẹn. Theo khảo sát, tổng tài sản của 27 ngân hàng tính đến thời điểm 31/3/2022 đã đạt gần 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm trước.

Dẫn đầu nhóm ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất là "ông lớn" quốc doanh BIDV, nhà băng này có quy môt tài sản lớn nhất toàn hệ thống với hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2021.

Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là VietinBank  Vietcombank với quy mô tổng tài sản là hơn 1,6 triệu tỷ đồng (tăng 8,6%) và hơn 1,4 triệu tỷ đồng (tăng 3,4%).

Ngoài ra, TOP 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tính đến cuối tháng 3 còn bao gồm nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân là MB, Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank.

Riêng khối tài sản của 10 ngân hàng trên đã lên tới gần 8,8 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng tài sản của 27 nhà băng được thống kê.

Mặt khác, 5 nhà băng có quy mô tài sản bé nhất hệ thống gồm có Kienlongbank, Ngân hàng Bản Việt, NCB, PG Bank và Saigonbank. Tổng tài sản của mỗi ngân hàng đều chưa lên tới 100.000 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, có 20 ngân hàng có tổng tài sản tăng và 7 ngân hàng ghi nhận giảm. SeABank là ngân hàng ghi nhận mức tăng tài sản lớn nhất tới 9,2% chủ yếu nhờ khoản mục tiền gửi tại các Tổ chức tín dụng khác tăng 29% đạt 45.515 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 14% đạt 145.836 tỷ đồng.

Những cái tên nổi trội khác trong cuộc đua về tổng tài sản có thể kể đến như VietinBank (8,6%), Techcombank (8,2%), VIB (7,9%),...

Tổng tài sản tại các ngân hàng tính đến 31/3/2022.

Ngược lại, 7 nhà băng có quy mô tài sản giảm gồm VietABank, PG Bank, Saigonbank, Kienlongbank, MSB, Bac A Bank và LienVietPostBank.

Trong nhóm này, tổng tài sản của VietABank giảm đến 9,9% so với cuối năm 2021 xuống còn 91.001 tỷ đồng do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 46%, tiền gửi tại Tổ chức tín dụng khác cũng đến giảm 35%.

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của PG Bank giảm gần 7% so với đầu năm, chỉ còn 37.796 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng 36% (252 tỷ đồng), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 48% (còn 539 tỷ đồng), cho vay khách hàng cũng giảm 8% (còn 25.362 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 27.357 tỷ đồng.

Tương tự, tổng tài sản của Saigonbank đến cuối tháng 3/2022 đạt 23.434 tỷ đồng, giảm 4,8% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt tăng nhẹ 2,9% (đạt 211 tỷ đồng), tiền gửi Ngân hàng Nhà nước giảm hơn 11%, tiền gửi các tổ chức tín dụng cũng giảm mạnh hơn 21%, chỉ còn 4.427 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 0,9% trong quý này, trong khi tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,5%.

Tổng tài sản BacA Bank đến cuối quý I/2022 cũng giảm nhẹ 2% so với đầu năm nay, xuống còn 117.078 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm đến 41% (còn 600 tỷ đồng), tiền gửi tại Tổ chức tín dụng khác giảm 32% (5.927 tỷ đồng. Cho vay các Tổ chức tín dụng khác tăng 36% (2.598 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% (86.980 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 2% lên 95.031 tỷ đồng.

Hoàng Hà

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục