Sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%

(Banker.vn) Với tầm nhìn đến năm 2025 là “Đổi mới, nâng tầm cao mới-Năng động, hội nhập toàn cầu”, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hợp tác với DN.
Vì sao sinh viên kinh tế thích các buổi học thực tế tại doanh nghiệp? Tạo cơ hội cho sinh viên khởi nghiệp trong nền kinh tế số 3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng 67.950 tỷ đồng

Yêu cầu từ thị trường lao động

Hiện nay, việc các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp đã trở thành xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động từ các doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (IUH): Sự đổi mới này xuất phát từ thực trạng những năm trước đây, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp bậc đại học thấp (60 - 70%), tỷ lệ sinh viên làm việc trái ngành nghề rất cao (50%), trong khi doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân lực theo nhu cầu.

Sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%
Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác và trao tặng phần mềm kế toán Hàn Quốc Amnote. Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

“Trong đó, nguyên nhân chính là do hoạt động đào tạo của trường đại học không có sự gắn kết với doanh nghiệp, đặc biệt là việc xây dựng chương trình đào tạo không có sự phản biện từ phía doanh nghiệp; sinh viên không nhận được sự hỗ trợ tốt về thực tập, kiến tập và tham quan thực tế; hoạt động nghiên cứu khoa học của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn nặng về hình thức, thiếu thực tế và không có tính ứng dụng” - TS. Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh.

Như vậy, việc cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với nhau trong đào tạo và tuyển dụng là sự đổi mới tất yếu và cấp thiết. Doanh nghiệp có thể được coi như “khách hàng” của trường đại học trong việc tuyển dụng sinh viên, áp dụng các sáng chế hay kết quả nghiên cứu của nhà trường trong đào tạo, nâng cao tay nghề và kiến thức của nhân viên.

Ở chiều ngược lại, trường đại học có thể mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia vào giảng dạy hoặc thuê các thiết bị kỹ thuật tiên tiến của doanh nghiệp để làm nghiên cứu, lúc này trường đại học trở thành “khách hàng” của doanh nghiệp.

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ

Với mục tiêu hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2025: “Đổi mới, nâng tầm cao mới - Năng động, hội nhập toàn cầu”, những năm vừa qua, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện qua các chỉ số về tình hình việc làm sinh viên, sự phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp và xã hội về chất lượng nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo.

Sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%
Nhà trường hợp tác với doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên. Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

“Nhà trường đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế AUN - QA và ABET; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín của nhà trường” - TS. Nguyễn Trung Nhân cho hay.

Hiện, mạng lưới doanh nghiệp hợp tác với IUH ngày càng mở rộng, ước tính tăng trung bình hàng năm khoảng 500 doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn uy tín trong và ngoài nước như: Honda, Mitsubishi, P&G, Lotte Group, Bridgestone, Siemens, Dow Chemical, Thermowatt, Vingroup, Viettel, Truong Hai Auto…

Theo TS. Nguyễn Trung Nhân, số lượng việc làm tăng đều hàng năm, trung bình khoảng 5000 công việc toàn thời gian và bán thời gian, với mức thu nhập và điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn. Những lĩnh vực hợp tác chủ yếu được kể đến như: Thực tập tốt nghiệp của sinh viên; tuyển dụng lao động; tài trợ giáo dục và học bổng; xây dựng chương trình đào tạo; hợp tác nghiên cứu; hội thảo hướng nghiệp và kỹ năng mềm…

Trong hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, hàng năm các Khoa/Viện của nhà trường đã tổ chức 40 lần hội thảo góp ý chương trình đào tạo với sự tham vấn ý kiến của 850 lượt doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế như AUN và ABET.

Ngoài ra, thông qua các chương trình hợp tác, các doanh nghiệp còn tài trợ học bổng cho sinh viên xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó và học bổng các khóa ngắn hạn. Ước tính, số tiền tài trợ thông qua học bổng khoảng 3 tỷ đồng/năm từ các công ty như: Lotte, Bridgestone, Toyota, Sacombank, GA. Consultants.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tài trợ cho nhà trường về thiết bị, phòng thí nghiệm, các phần mềm học tập, với giá trị ước tính trên 10 tỷ đồng/năm điển hình như: Mistubishi, etap (Khoa công nghệ Điện); Fast, Misa (Khoa Kế toán - Kiểm toán); Intel, E-shap (Khoa Công nghệ Điện tử)…

Đồng thời, IUH cũng tác với doanh nghiệp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trong những năm gần đây, trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể số lượng dự án, hợp đồng chuyển giao ngày càng tăng trong đó có những hợp đồng chuyển giao cho các doanh nghiệp như: Công ty Electronics Việt Nam, Công ty CocaCola Viet Nam, Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi, Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ Đức Thành, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau… với giá trị hợp đồng từ 400 triệu đến 5 tỷ đồng. Các lĩnh vực nghiên cứu & chuyển giao thế mạnh của nhà trường là cơ khí, nhiệt lạnh, thực phẩm, môi trường.

Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động gắn kết doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bằng kết quả thực tế là: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong nhiều năm trở lại đây đạt trên 90%; chất lượng đầu vào của sinh viên ngày càng cao hơn; số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến hợp tác với nhà trường ngày một nhiều hơn; uy tín của nhà trường được nâng cao.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục