Sinh viên, lao động Việt Nam cần thích ứng với môi trường làm việc đang không ngừng biến đổi

(Banker.vn) Việc tiếp tục học tập và nâng cao kỹ năng vô cùng cần thiết để đảm bảo sinh viên và người lao động có đủ khả năng đáp ứng công việc trong hiện tại và tương lai.
Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa: Tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động Du học nước ngoài nhìn từ trải nghiệm của Tiến sĩ Lê Quang Huy

Báo cáo Tương lai nghề nghiệp 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng, 44% những kỹ năng cốt lõi của người lao động sẽ thay đổi chỉ trong vòng 5 năm tới. Sự quan tâm ngày càng lớn hơn đối với tính bền vững, cũng như việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trên quy mô toàn cầu dự kiến sẽ tạo ra 69 triệu việc làm mới, song cũng sẽ làm mất đi 83 triệu việc làm, tương ứng với mức thâm hụt ròng 14 triệu việc làm. Vì lẽ đó, việc tiếp tục học tập và nâng cao kỹ năng là vô cùng cần thiết để đảm bảo rằng, học sinh, sinh viên và người lao động có đủ khả năng đáp ứng công việc trong hiện tại và tương lai.

Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Đây là sáng kiến quan trọng hướng tới thích ứng với môi trường làm việc đang không ngừng biến đổi.

Sinh viên, lao động Việt Nam cần thích ứng với môi trường làm việc đang không ngừng biến đổi
Hoạt động hướng nghiệp của các trường đại học

Ông Gerald Lum - Giám đốc Thương hiệu, Tiếp thị & Truyền thông của Học viện Quản lý Singapore (SIM) cho biết, động thái của Chính phủ Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc liên tục nâng cấp kỹ năng và học tập đã trở thành xu thế mới và các nhà tuyển dụng cũng kỳ vọng rằng, sinh viên mới ra trường sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như các kỹ năng sẵn sàng cho công việc. Điều này có nghĩa rằng, việc chỉ chú trọng tích lũy kiến thức và lý thuyết hàn lâm đã không còn phù hợp.

Trong xu thế này, các tổ chức giáo dục trên thế giới nói chung và SIM đã và đang nỗ lực xây dựng sinh viên theo hướng sẵn sàng cho tương lai và kiên định phát triển sự nghiệp, kết nối tri thức bằng kỹ năng để sinh viên thể tiến xa trong mọi môi trường làm việc. “Để đạt được điều này, chúng tôi tận tình cung cấp các dịch vụ tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm cơ hội thực tập, tham gia các khóa học cấp chứng chỉ vi mô, cũng như liên tục mở ra cho các em các cơ hội phát triển chuyên môn khác” - ông Gerald Lum chia sẻ.

Bên cạnh đó, học viện cũng nỗ lực phát triển tài năng tương lai thông qua các sáng kiến sẵn sàng cho sự nghiệp, cùng nhiều cơ hội làm việc quốc tế. Tại SIM đang vận hành hơn 80 câu lạc bộ giúp sinh viên kết nối và khám phá niềm đam mê cũng như các thế mạnh của mình, từ đó phát triển cá nhân một cách toàn diện.

Theo thống kê, số lượng du học sinh Việt Nam đang chiếm tới 15% tổng số sinh viên đến từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đang học tập và đã có hơn 1.400 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các chương trình đào tạo của Học viện này. Đáng chú ý, để hỗ trợ cho các sinh viên tài năng song không có được điều kiện tài chính để theo đuổi học tập, học viện đã cấp nhiều học bổng và các khoản trợ cấp để các em có thể theo học và đạt được những mục tiêu sự nghiệp.

“Nhân sự kiện này, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để tất cả các sinh viên đang theo học, cũng như các cựu sinh viên truy cập miễn phí các khóa học cấp chứng chỉ vi mô từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025. Các khóa học giúp trang bị các kỹ năng sẵn sàng cho công việc, các kỹ năng lõi thiết yếu để nâng cao hiệu suất làm việc, các mô-đun kỹ thuật số tiên tiến nhất. Khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ số, giúp hồ sơ của họ trở nên thu hút hơn đối với các nhà tuyển dụng” - Giáo sư Wei Kwok Wee, Hiệu trưởng, Giám đốc SIM toàn cầu thông tin tại họp báo nhân sự kiện kỷ niệm 60 thành lập.

Sinh viên, lao động Việt Nam cần thích ứng với môi trường làm việc đang không ngừng biến đổi
Ông Ian Tan, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội (ở giữa) cùng đại diện Học viện Quản lý Singapore thực hiện nghi thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới

Giáo sư Wei Kwok Wee cũng dẫn báo cáo Các khuynh hướng chủ đạo tại Đông Nam Á năm 2024 của Acumen - một tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế, Việt Nam là quốc gia có số lượng học sinh, sinh viên đi du học lớn nhất trong khu vực. Cũng trong một báo cáo của Acumen vào năm 2023, một lượng đông đảo phụ huynh tại Việt Nam cho biết họ mong muốn con em mình được hưởng nền giáo dục quốc tế.

Đánh giá về sinh viên Việt Nam, lãnh đạo học viện lớn của Singapore khẳng định, sinh viên Việt Nam là những người luôn có khao khát học hỏi, thông minh và có tinh thần trách nhiệm cao. “Các bạn sinh viên Việt Nam thường tìm ra cách riêng để giải quyết vấn đề, đồng thời là những người rất có tinh thần trách nhiệm. Tôi đã gặp nhiều bạn và các bạn thường thể hiện mong muốn để trở lại Việt Nam sau khi học tập xong để cống hiến cho đất nước, cho quê hương” - ông Gerald Lum nói.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ toàn diện hơn cho sinh viên tại Việt Nam, đặc biệt là những sinh viên khu vực phía Bắc, SIM chính thức chuyển trụ sở văn phòng đại diện từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đồng thời ký bốn Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Duy Tân, Hệ thống Trường Phổ thông FPT, Trường Phổ thông Olympia và Trường Cao đẳng An ninh mạng iSpace.

Nhân dịp này, SIM đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, mở ra kỷ nguyên mới cho sự học suốt đời dựa trên nền tảng kỹ năng và đặc thù của từng lĩnh vực. Đồng thời, ra mắt Hội Cựu sinh viên Nước ngoài (Overseas Alumni Chapter - OAC) tại Hà Nội. Hiện học viện đã có 6 OAC - là cánh tay nối dài giúp nhà trường hỗ trợ tốt hơn cho các cựu sinh viên trên hành trình học tập và nâng cao kỹ năng không ngừng trong suốt sự nghiệp.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương