Singapore siết kiểm soát thực phẩm nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước

(Banker.vn) Việc cập nhật các chính sách mới về thực phẩm nhập khẩu vào Singapore rất quan trọng, không chỉ giảm thiểu sự cố mà còn giúp hàng Việt Nam vững chân tại đây.
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện Thương mại Việt Nam - Singapore tăng trưởng bền vững nhờ “bàn đạp” FTA

Ngày 4/4, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA), Bộ Bền vững và Môi trường (MSE) và SFA đã đưa ra Dự luật An toàn và An ninh thực phẩm (FSSB) và tiến hành tham vấn cộng đồng để thu thập những phản hồi về các điều khoản dự thảo trong FSSB.

Thương vụ cho biết, việc tham vấn cộng đồng sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn, từ ngày 15/3 đến tháng 6/2024. Theo Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore, FSSB hợp nhất và hợp lý hóa các quy định pháp luật của Singapore liên quan đến thực phẩm từ 08 Đạo luật hiện hành thành 01 Đạo luật mới và cung cấp khuôn khổ tổng thể để đảm bảo sự gắn kết trong toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm, củng cố thể chế cho an toàn và an ninh lương thực, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn và đảm bảo nguồn cung thực phẩm. FSSB cũng đưa ra các quyền hạn mới để tăng cường chức năng quản lý của SFA, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho Singapore.

Singapore siết kiểm soát thực phẩm nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước
Dự luật An toàn và An ninh thực phẩm đưa ra các quyền hạn mới để tăng cường chức năng quản lý của SFA, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho Singapore. Ảnh minh họa

Thông qua Dự luật An toàn và An ninh thực phẩm, Chính phủ Singapore sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường thể chế cho công tác an toàn thực phẩm; bảo vệ người dân tốt hơn. Cùng đó tạo điều kiện thiết lập trách nhiệm chung, chặt chẽ hơn giữa ngành công nghiệp thực phẩm, người tiêu dùng và Chính phủ; đồng thời tăng khả năng phục hồi khi có sự gián đoạn của nguồn cung thực phẩm.

Các nội dung được tiến hành tham vấn cộng đồng được thực hiện trực tuyến, với các nội dung chủ yếu như: Khái niệm Thực phẩm đã được xác định (defined food) và việc phê duyệt thực phẩm trước khi đưa ra thị trường; việc cung cấp nước uống không đóng gói (non-packing); một số nội dung liên quan đến yếu tố đầu vào cho sản xuất nông sản thực phẩm (như thức ăn chăn nuôi và thuốc trừ sâu); tăng cường khả năng phục hồi nguồn cung thực phẩm ở Singapore; xuất nhập khẩu và vận tải thực phẩm; kinh doanh thực phẩm.

Mục tiêu tham vấn cộng đồng là để công chúng chia sẻ quan điểm về cách thức đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, linh hoạt cho Singapore. Thông thường, việc tiến hành tham vấn cộng đồng của Singapore là một trong những bước triển khai trước khi ban hành Đạo luật.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore là một đảo quốc nhỏ, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất nông nghiệp, Singapore phải nhập khẩu hơn 90% lương thực, thực phẩm từ hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp nông sản, thực phẩm lớn cho nước này. Trung bình Việt Nam xuất khẩu vào Singapore khoảng 230 triệu USD/năm các mặt hàng thực phẩm, nông sản (thủy hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc…). Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này vào Singapore đang ngày càng tăng.

"Singapore cũng là thị trường có thu nhập bình quân đầu người rất cao, có yêu cầu cao và khắt khe về điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm" - Thương vụ Việt Nam tại Singapore đánh giá và nhấn mạnh, việc cập nhật các chính sách mới liên quan đến thực phẩm khi nhập khẩu vào Singapore là rất quan trọng, vừa đáp ứng các điều kiện kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường, vừa giảm thiểu những sự cố ngoài mong muốn cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Singapore.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương