Báo cáo gửi đến nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund chia sẻ rằng, ông cùng đội ngũ của mình đã trải qua một năm đầy bất ngờ và vô cùng đặc biệt tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường của quốc gia được xem là có tốc độ phát triển nhanh nhất, cạnh tranh nhất và tỷ lệ nợ thấp nhất châu Á đã phải đối mặt với sự điều chỉnh mạnh. Do đó, mặc dù tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhưng chỉ số chính VN-Index đã giảm khoảng 40%, trong bối cảnh các thị trường khác trong khu vực chỉ giảm vài phần trăm.
Theo ông Petri Deryng, một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu là những sai phạm trên thị trường chứng khoán như việc thao túng giá cổ phiếu, thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Điều này tác động đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.
Trong năm 2022, các cơ quan chức năng Việt Nam đã cho thấy quyết tâm nhằm thanh lọc và minh bạch hóa thị trường. Ông Petri vô cùng hoan nghênh các biện pháp thi hành kỷ luật của các cơ quan chức năng, đã giúp loại bỏ các hành vi tiêu cực như thao túng cổ phiếu, xử phạt các doanh nghiệp bất động sản sai phạm về giao dịch đất đai hay vi phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp.
Song, bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro, cộng thêm việc đồng VND mất giá đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang và kém tích cực hơn. Niềm tin của nhà đầu tư bị đẩy xuống thấp khiến thanh khoản thị trường giảm sút, thậm chí thị trường trái phiếu còn “đóng băng” khi có tháng không có doanh nghiệp nào tiến hành huy động vốn trên kênh này. Kéo theo đó, những cổ phiếu được đem làm tài sản bảo đảm cho những lô trái phiếu trước đây còn chịu thêm áp lực bán tháo mạnh, đẩy thị giá rơi xuống vùng thấp kỷ lục, giảm hàng chục % sau thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ông Petri đánh giá tích cực khi các cơ quan nhà nước mới đây đưa ra các biện pháp khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính. “Có hy vọng mới cho những điều tốt đẹp hơn và có lý do chính đáng để tin rằng chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng cao hơn trong 12 tháng tới”, người đứng đầu quỹ Pyn viết trong báo cáo.
Một yếu tố khác được nhà quản lý quỹ Pyn đánh giá đó là những tín hiệu vĩ mô của Việt Nam. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới. Với nhận định nhu cầu của thị trường Mỹ và EU suy yếu trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước châu Á sang hai thị trường này, dự báo của Pyn GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.
So sánh các chỉ số tài chính và vĩ mô của Việt Nam với các thị trường khác trong khu vực. Nguồn: Pyn. |
Song, về tổng quan khi so sánh các thông tin về thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô với những quốc gia khác trong khu vực Asean, Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn dựa trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, các đồng tiền châu Á đều mất giá do đồng USD mạnh lên với triển vọng lãi suất tăng cao ở Mỹ. Khi kỳ vọng rằng các đợt tăng lãi suất tiếp theo giảm bớt có thể tạo ra phản ứng ngược đối với việc đồng đô la bị định giá quá cao.
Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhưng lại tụt xuống mức định giá thấp nhất.
Thứ ba, các công ty niêm yết tại Việt Nam có cấu trúc tài chính vững chắc với tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu vừa phải (19,4%).
Thứ tư, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 (đạt 14%), nhưng nhà quản lý quỹ Pyn cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ yếu đi trong 6 tháng tới.
Cuối cùng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm nay dự kiến đạt 20 – 25%. Sang năm 2023, tỷ lệ này dự báo đạt 18%.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|