(Banker.vn) Người lãnh đạo của tôi là người biết truyền cảm hứng và đặt niềm tin để chúng tôi làm việc và tự tin mà “không sợ sệt”.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Kiều Thị Thùy Dung công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Chơn Thành, Bình Phước

Tôi đã từng đọc một cuốn sách muốn điều hành và quản lý công việc được tốt, người lãnh đạo phải giúp nhân viên lập ra mục tiêu một phút, đồng thời phải luôn dành vài phút khen ngợi những thành quả tốt nhằm khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên và chỉ nên một phút khiển trách đối với các việc làm sai trái để giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của mình và hoàn thiện bản thân.

Bạn của tôi luôn than thở về người giám đốc của mình rằng chị ấy không bao giờ biết động viên người khác. “Chỉ một lời khích lệ thì mình đã vui lắm rồi, nghe chị ấy nói thế mình chẳng còn tinh thần làm tiếp nữa”...

Tôi nghĩ, không chỉ riêng ở vị trí người lãnh đạo mà tất cả chúng ta nên rèn luyện tính chấp nhận và động viên người khác.

Một lời khen về kết quả công việc, về sự cố gắng hay thậm chí là lời khen về chiếc áo phù hợp với vóc dáng của một phụ nữ thừa cân thì đều có ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn. Đó không phải là những lời giả dối, hoa mỹ nhưng nó thể hiện rằng chúng ta nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, sự việc.

May mắn thay, người lãnh đạo của tôi là người biết truyền cảm hứng và đặt niềm tin để chúng tôi làm việc và tự tin mà “không sợ sệt”.

Đôi khi tôi tự hỏi tại sao chị có lối nói chuyện hay, thuyết phục và đi vào lòng người đến vậy. Với vốn ngôn từ phong phú, chuẩn mực, lý giải, phân tích vấn đề sắc bén, mọi nội dung chị phát biểu hay thậm chí là những chia sẻ thân tình thì chúng đều trở nên hết sức thuyết phục.

Bên cạnh nể phục sự tài giỏi, uyên thâm và tính chuyên nghiệp trong công việc của sếp, tôi còn thấy ở chị là một người sống rất mực tình cảm, nhiệt thành với mọi người. Và, nhất là cách chị truyền cảm hứng, động viên nhân viên của mình. 

Có rất nhiều cách để bắt đầu một câu chuyện khiến người khác vui vẻ và cảm mến ta. Và đó là sự quan tâm chân thành. Tôi nghĩ vậy.

Chắc hẳn cũng giống như tôi trước đây, đa số các anh chị nghĩ rằng: những sếp thường vì lợi ích và ước mơ của chính cá nhân họ. Nhưng đến hôm nay, qua hình ảnh người lãnh đạo của mình, tôi mới hiểu rằng: Họ có thể buông bỏ, giảm bớt công việc để hưởng thụ cá nhân, nhưng họ không làm vậy... Tôi chia sẻ điều này mong những người làm lính chúng ta hiểu được những vất vả của những người lãnh đạo.

Để là một người lãnh đạo được mọi người yêu quý và kính phục không phải là điều dễ dàng đặc biệt là phụ nữ. Phụ nữ làm sếp đã là một hành trình không trải đầy hoa hồng. Tôi không bàn sâu về những phẩm chất tạo nên một nhà lãnh đạo, tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ rằng người lãnh đạo phải là một ví dụ điển hình cho nhân viên. Chúng ta nhìn vào lời nói, hành động của họ để trau dồi và hoàn thiện mình, trước nhất là kỹ năng - thái độ trong công việc và sau đó là ứng xử trong cuộc sống. 

Hẳn rằng ai cũng muốn được làm việc trong một môi trường thân thiện – chuyên nghiệp, có người lãnh đạo mẫu mực và công tâm, đánh giá đúng năng lực cũng như khuyết điểm của bản thân. Nhưng đó chỉ là những điều chúng ta muốn, còn những điều chúng ta nên làm là gì? Tôi nghĩ rằng ngoài việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành công việc, chúng ta nên biết yêu quý công việc của mình và đặt mình vào vai trò người lãnh đạo với rất nhiều suy tư, lo toan và bộn bề công việc. Để từ đó, thấu hiểu, thông cảm và bớt “đòi hỏi”, phán xét sếp mình thế này, thế kia. 

Người lãnh đạo của tôi chị ấy vẫn đang đi tìm và sửa khuyết điểm của chính mình thì lý gì tôi lại không cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày, trước nhất là vì bản thân và sau đó là đóng góp phần nhỏ bé gì đó cho cộng đồng, xã hội.

Người lãnh đạo tài năng không chỉ là người soi đường chỉ lối mà còn là người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường. Tôi đã học được rất nhiều điều từ sếp và tôi sẽ mãi mãi trân trọng những điều đó.

KIỀU THỊ THÙY DUNG

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ