"Sell in May không tới", xu hướng mới của thị trường và lời khuyên cho NĐT chứng khoán

(Banker.vn) Diễn biến tương đối tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra trong bối cảnh khi mà tháng 5 lâu nay vẫn được cho là thời điểm các nhà đầu tư chỉ "bán ra và đi chơi"...

Chứng khoán tăng tích cực trong tháng 5

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), tính đến hết ngày 31/5/2023, trên HOSE có 473 mã chứng khoán niêm yết, trong đó gồm: 396 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 13 mã chứng chỉ quỹ ETF và 61 mã chứng quyền có bảo đảm.

Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 141,01 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt hơn 4,28 triệu tỷ đồng, tăng +2,47% so với tháng trước, chiếm hơn 93,91% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 45,07% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).

Ngày 25/5 vừa qua, HOSE cũng đã chính thức đưa 6.000.000 chứng chỉ quỹ của Quỹ ETF FPT CAPITAL VNX50 (mã Ck: FUEFCV50) vào niêm yết và giao dịch.

Tháng 5/2023, chỉ số VN-Index tăng +2,48% so với tháng trước, thanh khoản cũng duy trì lực tăng khá khi đạt 12.205 tỷ đồng/phiên, tăng +9,75% so với tháng 4

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.075,17 điểm, tăng 26,05 điểm, tương đương 2,48% so với tháng 4/2023 và tăng 6,76% so với cuối năm 2022; VNAllshare đạt 1.042,2 điểm, tăng 2,79% so với tháng 4/2023, tăng 7,37% so với cuối năm 2022; VN30 đạt 1.066,33 điểm, tăng 1,42% so với tháng 4/2023, tăng 6,08% so với cuối năm 2022.

Một số ngành tăng điểm trong tháng gồm: ngành năng lượng (VNENE) tăng 8,17%; ngành công nghệ thông tin (VNIT) tăng 7,95%; ngành công nghiệp (VNIND) tăng 7,10%... Bên cạnh đó, các ngành giảm điểm gồm: ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 2,49%; ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm 1,37%…

Thanh khoản của thị trường chứng khoán ghi nhận tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 711,17 triệu cổ phiếu và 12.205 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 10,91% về khối lượng bình quân và 9,75% về giá trị bình quân so với tháng 4/2023.

Về giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW), trong tháng 5, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 11,82 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 10 tỷ đồng, tương ứng tăng 18,48% về khối lượng bình quân và tăng 15,01% về giá trị giao dịch bình quân so với tháng 4/2023.

Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại trong tháng đạt trên 34.286 tỷ đồng, chiếm hơn 7,02% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.804 tỷ đồng.

Hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6

Lý giải về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt trong tháng 5 năm nay, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, đà tăng của thị trường được trợ lực bởi một loạt chính sách hỗ trợ được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành thời gian qua đã giải quyết một số điểm nghẽn hiện nay của nền kinh tế cũng như dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường tài chính. Đồng thời, dòng tiền trong nước có dấu hiệu quay trở lại kênh chứng khoán trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm rõ rệt.

Lãi suất tiền gửi 12 tháng duy trì xu hướng giảm trong tháng 5 với mức giảm khoảng 0,3 - 0,4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index cũng giảm xuống còn 8,0% trong tháng 5 do lợi nhuận chung toàn thị trường tăng trưởng âm trong quý 1/2023. Kết hợp với tỷ suất cổ tức ở mức 1,7%, chênh lệch giữa tỷ suất lợi tức thị trường và lãi suất tiền gửi hiện ở mức khoảng 2,7%, khá hợp lý ở thời điểm hiện tại.

Tuy vậy, với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới trong khi lợi nhuận toàn thị trường có thể phục hồi kể từ quý 3 trở đi thì thị trường có thể được định giá lại ở mức cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại để đón đầu xu hướng này.

VNDirect cũng cho rằng, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai trong thời gian qua đã kéo cán cân rủi ro/cơ hội của thị trường đang dần nghiêng về phía tích cực. Dòng tiền thông minh cũng đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán khi thanh khoản của thị trường cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây.

Các chuyên gia kỳ vọng những tín hiệu tích cực trên sẽ tiếp tục duy trì và chỉ số VN-Index có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 - 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6.

Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng (điện, dầu khí). Tuy nhiên, vẫm còn đó rủi ro giảm điểm đến từ nguy cơ suy thoái tại Mỹ và Châu Âu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Lịch chốt quyền trả cổ tức bằng tiền các doanh nghiệp trong tuần từ 5 - 9/6

Trong tuần này, nhiều doanh nghiệp sẽ chốt danh sách trả cổ tức các đợt năm 2021, 2022 bằng tiền, tiêu biểu như SKV, FRT, ...

Thanh khoản tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế

Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang được dòng tiền nội đón nhận tích cực dù có ...

Các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu chứng khoán, xây dựng hạ tầng

Giai đoạn hiện tại, với việc các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế đang trở nên rõ nét hơn, dòng tiền sẽ có ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục