SeABank có tân Phó Tổng Giám đốc người nước ngoài

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB - sàn HOSE) bổ nhiệm ông Faussier Loic Michel Marc giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc cao cấp của SeABank kể từ ngày 20/6/2022.

Ông Faussier Loic Michel Marc, sinh năm 1972 tại Pháp, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế của Đại học Paris Assas. Ông Faussier Loic Michel Marc cũng có bằng Thạc sĩ tài chính - Đại học Paris Dauphine và bằng Thạc sĩ Luật kinh doanh - Học viện Chính trị Paris.

Ông Faussier Loic Michel Marc đã có hơn 25 năm kinh nghiệm công tác tại nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn ở Pháp, Hồng Kông (Nhật Bản) và Nhật Bản như: Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, Phó giám đốc Ngân hàng HSBC Nhật Bản, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH VNInvest Partners, Chủ tịch Công ty Công ty TNHH Tài chính Lotus...

Tân Phó tổng giám đốc SSB cũng từng là Phó tùy viên tài chính phòng thương mại của Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh và từng làm việc cho Citibank ở Paris.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc cao cấp của SeABank, ông Faussier Loic Michel Marc từng là Thành viên độc lập HĐQT của SeABank, được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng của Ngân hàng.

Với việc bổ nhiệm ông Faussier Loic Michel Marc giữ chức vụ Phó tổng giám đốc cao cấp, Ban Tổng giám đốc SeABank sẽ có thêm 1 thành viên là người nước ngoài, nâng tổng số thành viên Ban Tổng giám đốc lên 11 thành viên.

Tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng năm 2022

Năm 2022 là năm phát triển mạnh mẽ trong chiến lược phát triển 2020 - 2025 của SeABank. Việc tăng vốn điều lệ là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch và định hướng, giúp Ngân hàng có đủ tiềm lực để thực hiện các mục tiêu: triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, số hóa toàn diện các quy trình vận hành trong hoạt động tín dụng, thanh toán, dịch vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ…, qua đó mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mọi khách hàng.

Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022 của SeABank cũng vừa được thông qua trong Đại hội đồng Cổ đông thường niên tổ chức ngày 21/4/2022. Theo đó, SeABank dự kiến phát hành 211.400.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109.700.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, dự kiến mỗi cổ đông của SeABank sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 20%.

Ngân hàng cũng dự kiến phát hành 59.400.000 cổ phiếu cho CBNV theo phương án ESOP 2022; đồng thời, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu 228.700.000 cổ phiếu.

Kết thúc Quý I/2022, SeABank đã đạt được kết quả khả quan, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2021 với lợi nhuận trước thuế 1.306,4 tỷ đồng, tăng trưởng 87,1%; Tổng tài sản 231.222 tỷ đồng; Tổng thu thuần đạt hơn 2.322 tỷ đồng, tăng 61,28%; Thu thuần từ dịch vụ đạt 274,21 tỷ đồng, tăng 122,65%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của Ngân hàng cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng 126,47%, đạt 757,8 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tiếp tục giảm mạnh xuống mức 28,32%, đảm bảo đúng theo định hướng kinh doanh của Ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) duy trì ổn định ở mức 1,64%.

Văn Toàn

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục