Sẽ thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và cao su

(Banker.vn) Các Sàn Giao dịch chuyên biệt là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và cao su.
Xuất khẩu cà phê: Điểm sáng trong nhiều thách thức Xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan tăng trưởng 3 con số Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam có cơ hội duy trì mức 4 tỷ USD

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Công Thương.

Sẽ thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và cao su
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV)

Là cửa ngõ xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam ra thế giới, trong đó có nhiều sản phẩm vùng núi như cà phê, cao su, tiêu… ông chia sẻ gì về tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm này trên các Sở Giao dịch hàng hoá lớn trên thế giới?

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu trong top đầu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều... Ví dụ như cà phê, nước ta là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2, xuất khẩu cao su lớn thứ 4 và xuất khẩu hạt điều đứng thứ nhất toàn cầu.

Chính vì thế, tiềm năng tiêu thụ, giao dịch các sản phẩm này trên các Sở Giao dịch hàng hóa là rất lớn. Trên thực tế, sản phẩm cà phê Robusta đã được Sở Giao dịch ICE London niêm yết với khối lượng giao dịch từ 100.000 – 200.000 tấn mỗi ngày.

Trong các mục tiêu MXV đề ra trong năm nay, có những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về việc việc niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, và cụ thể là thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt đối với mặt hàng cà phê và cao su.

Trong thời gian qua, MXV đã làm việc với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để có thể niêm yết giao dịch các mặt hàng này một cách hiệu quả, và điều kiện bắt buộc là phải chuẩn hóa sản phẩm.

Sẽ thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và cao su
Tiềm năng tiêu thụ, giao dịch cà phê trên các Sở Giao dịch hàng hóa là rất lớn

Thế mạnh của các sản phẩm từ các địa phương miền núi chính là nông sản. Tuy nhiên, các thị trường cũng đang có nhu cầu siết chặt tiêu chuẩn đổi với sản phẩm, ví dụ EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg… Ông có thể cho biết đánh giá về cơ hội và thách thức của những quy định này đối với nông sản Việt Nam?

Trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPPEVFTA đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản. Đây là đòn bẩy giúp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn thế giới.

Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, rào cản kỹ thuật cũng như hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật khắt khe đã được cam kết trong các Hiệp định.

Các quốc gia nhập khẩu chắc chắn sẽ gắt gao hơn khi kiểm tra các lô hàng của Việt Nam. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường quốc tế do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của các nước đặt ra. Nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp (hàng thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào). Điều nay đòi hỏi các sản phẩm phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua các rào cản này.

Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu. Mỗi nước đều áp dụng rất nhiều quy định đối với hàng nhập khẩu của các nước khác chứ không riêng hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Nhìn một cách tích cực, đây là động lực để ngành nông sản Việt Nam có những thay đổi, cải tiến để theo kịp xu thế chung của các thị trường xuất khẩu lớn. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, sẽ tạo tiền đề để duy trì vị thế xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ về sản lượng, mà còn về chất lượng và quy mô của ngành. Đây là một nhân tố quan trọng có thể thúc đẩy sự phát triển thị trường nông sản Việt Nam theo hướng bền vững hơn, mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... Tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thị trường xuất khẩu trong năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Bằng những phân tích của mình, ông có những dự báo và khuyến nghị gì đế hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là nông sản miền núi đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới?

Kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Vì thế, khó khăn sẽ đến với nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu, trong đó nông sản cũng sẽ bị ảnh hưởng

Dù vậy, thách thức là điều luôn sẵn có. Do đó, để vượt qua các rào cản, cán đích và vượt mục tiêu về giá trị xuất khẩu đề ra chúng ta nên thúc đẩy hoạt động xuất khẩu với các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách đổi mới toàn diện trên tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, trong đó tập trung đổi mới công nghệ để nhanh chóng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, cần nâng cao công tác phân tích, dự báo thị trường trước những biến động lớn của giá hàng hóa thế giới. Điều này cần sự vào cuộc của các Bộ/Ban/Ngành, trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia; hoặc phối hợp với các Tổ chức chuyên nghiệp trong công tác dự báo thị trường. Để từ đó đưa ra được định hướng đúng đắn trong hoạt động chốt giá xuất khẩu, giúp người nông dân và các doanh nghiệp tận dụng được những giai đoạn giá cao để bán hàng.

Thứ ba, sử dụng các Công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng cà phê. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện rất tốt nghiệp vụ bảo hiểm giá cà phê tại MXV, tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chủ quan, và chưa thực sự nghiêm túc trong nghiệp vụ này. Cần biết rằng, việc bảo hiểm giá qua các Sở Giao dịch đã phổ biến và được các tập đoàn quốc tế sử dụng trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm qua. Đây cũng là yếu tố quyết định đến sự hình thành và phát triển của rất nhiều tập đoàn cà phê lớn trên thế giới, bởi sẽ rất rủi ro nếu đặt cược lợi nhuận của nông dân, doanh nghiệp vào biến động khó lường của giá thế giới.

Tại MXV, ngoài các hợp đồng tiêu chuẩn, còn có các sản phẩm mini, micro và hợp đồng chênh lệch giá, chi phí bỏ ra rất thấp, trong khi hiệu quả bảo hiểm giá lại rất lớn.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục