Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024

(Banker.vn) Chiều 15/3, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Luật Điện lực (sửa đổi): Tác động thế nào đến môi trường đầu tư kinh doanh? Bộ Công Thương họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) Bộ Công Thương họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Cuộc họp với sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo đại diện các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam; Bộ Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngoại giao, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam….

Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng)

Đảm bảo đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55), qua quá trình tổng kết gần 20 năm thi hành Luật Điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết số 55, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện nay khoảng 80.000 MW), đến năm 2050, tổng công suất đặt gấp khoảng 4 lần hiện nay.

Từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn, một mặt vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như vậy ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này.

"Trong thời gian tới, chúng ta phải giảm tối đa nhiệt điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường như khí, amoniac xanh, hydrogen và khi điều kiện cho phép có thể phát triển điện hạt nhân"- Bộ trưởng nêu rõ.

Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng phải đáp ứng được yêu cầu tại Nghị quyết 55 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, phù hợp các cam kết quốc tế (Ảnh: Cấn Dũng)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng ban hành Luật điện lực có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được; hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết số 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Phù hợp với các cam kết quốc tế; Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, sạch; Phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…

Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thi hành và đề xuất xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55 tại Luật Điện lực, tổ chức triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Tại Nghị quyết số 203/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Chính phủ trước ngày 1 tháng 7 năm 2024.

Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập tổ nghiên cứu xây dựng Luật và đã có Công văn số 616/BCT-PC ngày 26 tháng 1 năm 2024 trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024
Ông Trần Việt Hòa báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng)

Báo cáo với Ban soạn thảo, ông Trần Việt Hòa –Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Điện lực sửa đổi cho biết: Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Tổ biên tập bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Tổ biên tập, đại diện một số cơ quan đảng, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Bộ. Các thành viên Tổ biên tập đã thống nhất chia thành viên Tổ biên tập thành 3 nhóm: Nhóm 1: Điều tiết điện lực và tiết kiệm điện do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Tổ trưởng Tổ biên tập là nhóm trưởng.

Nhóm 2: Quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực và năng lượng tái tạo do Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Tổ phó Tổ biên tập là nhóm trưởng.

Nhóm 3: An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện do Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Tổ phó Tổ biên tập là nhóm trưởng, để tập trung công tác soạn thảo, chỉnh lý Dự án luật trong quá trình tham mưu, giúp việc cho Ban soạn thảo…

Bám sát 6 chính sách lớn

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị thành viên Ban soạn thảo góp ý vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gồm:

Chính sách 1: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Chính sách 2: Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Chính sách 4: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Chính sách 5: Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.

Chính sách 6: An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Trên cơ sở 6 chính sách chính nêu trên, theo quan điểm kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật Điện lực, sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bộ Công Thương đã đề xuất Đề cương chi tiết luật bao gồm: 9 Chương và 82 điều đã được Chính phủ thông qua và đang trình Quốc hội.

Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đóng góp ý kiến tại cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng)

Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam... đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc gấp rút triển khai dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đồng thời, thống nhất kết cấu đề cương; thống nhất số lượng và tên các chương của Dự thảo Luật và bảo đảm nằm trong 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ góp ý tại cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng)

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao Tổ biên tập tiếp nhận, tổng hợp ý kiến thành viên Ban soạn thảo và giao Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị, các chuyên gia thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo 1. Đồng thời, xây dựng Dự thảo Tờ trình trên cơ sở nội dung Dự thảo 1 đã được hoàn thiện.

Sau khi hoàn thiện Dự thảo 1 theo ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, giao đầu mối Tổ biên tập gửi lại Ban soạn thảo Dự thảo 1, Dự thảo Tờ trình và Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Ban soạn thảo là trong tuần từ 25/3/2024-29/3/2024.

Sẽ lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 4/2024
Chuyên gia độc lập Chu Văn Tiên - Hội Điện lực Việt Nam góp ý tại cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng)

Về vấn đề thông qua dự thảo lần 1 để tiến hành đăng tải Dự thảo luật, do thời hạn soạn thảo gấp, để đáp ứng tiến độ, Ban soạn thảo đã thống nhất đề xuất được sử dụng Dự thảo 1 đã hoàn thiện để đăng website và gửi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức (Dự thảo 2) để kịp thời hạn Chính phủ giao. Theo đó, Bộ Công Thương thực hiện thủ tục đăng website trong tuần từ 20/3-29/3/2024 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Sau khi đăng website, Ban soạn thảo tiếp tục thảo luận để hoàn thiện Dự thảo 2 trong quá trình đăng web và gửi lấy ý kiến. Trong thời gian này, Ban soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.

Thu Hường - Đình Dũng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục