Sẽ không xảy ra tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá

(Banker.vn) Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, với sự sát sao của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.
Bộ Tài chính đề xuất các nguồn tăng lương cơ sở năm 2023 Bộ Tài chính đề nghị rà soát kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp Từ ngày 1/7: 9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng

Chiều tối 24/6, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: Thông qua 08 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác.

Tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại họp báo

Đồng thời, giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang về kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi Chính phủ tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá. Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Tất cả các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.

Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 1/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra yêu cầu là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. “Tôi tin rằng với sự sát sao của Chính phủ từ sớm và sự giám sát của Quốc hội, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra” - ông Nguyễn Trường Giang nhận định.

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV mới được thông qua chiều nay, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Vào cuối tháng 5, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn Hà Nội nhấn mạnh, chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân, đến nay đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, tuy nhiên, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

Đại biểu Mai dẫn chứng một sinh viên mới ra trường có mức thu nhập là hơn 3,4 triệu đồng, mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Nếu quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan có thu nhập là hơn 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia 17 triệu đồng…

Vị đại biểu này cho biết, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn. Trong 3 năm liên tiếp Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm cải cách tiền lương. Nguyên nhân là chúng ta cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế, đó là chủ trương đúng đắn.

Theo đại biểu, một điều mà cử tri quan tâm là tới đây cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu. Tại thời điểm hiện nay sẽ không có thông tin nào được coi là chính xác vì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, rất cần một sự thay đổi căn bản mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục