Sẽ còn có thêm nhiều cái tên đối diện "án" hủy niêm yết bắt buộc

(Banker.vn) Mới đây, liên tiếp các mã cổ phiếu bị lưu ý về khả năng hủy niêm yết bắt buộc và danh sách các mã cổ phiếu này được đánh giá là sẽ còn mở rộng trong năm 2023...

Tiêu biểu nhất trong các đại diện đã nằm trong danh sách có thể bị hủy niêm yết bắt buộc là Vietnam Airlines (HoSE: HVN). Sau hai năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã liên tục báo lỗ: gần 13.279 tỷ đồng năm 2021 và lỗ 11.178 tỷ đồng năm 2020. Năm 2022, đường bay được mở trở lại, doanh thu của hãng hàng không này đạt 70.500 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhưng các gánh nặng chi phí đã đẩy hãng bay này tiếp tục lỗ ròng 10.400 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2022, lũy kế lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.

Sẽ còn có thêm nhiều cái tên đối diện

Nếu căn cứ theo Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP (NĐ 155) quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết trong các trường hợp lỗ 3 năm liền, hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp; hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào đầu tháng 2/2022 lại một lần nữa lưu ý Vietnam Airlines về khả năng huỷ niêm yết cổ phiếu HVN nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Một trường hợp khác, Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: UDC) lỗ sau thuế cả năm 2022 là 39,2 tỷ đồng, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp UDC liên tục thua lỗ. Tính đến ngày 31/12/2022 của doanh nghiệp này có số lỗ lũy kế là 72,235 tỷ đồng.

UDC giải thích nguyên nhân thua lỗ do thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022 gần như đóng băng, nên kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư, chuyển giao các lô đất công ty nắm giữ tại dự án Nam Quốc lộ 51 đã không thể thực hiện. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt của các nhà thầu trên địa bàn, dòng vốn gián đoạn… cũng ảnh hưởng mạnh đến xây lắp, kết quả kinh doanh năm 2022 của UDC và các công ty con.

Tương tự, cổ phiếu của Công ty CP Năng Lượng và bất động sản MCG hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo Quyết định 420/QĐ-SGDHCM ngày 22/06/2022 của HOSE do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2020 là -9,33 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế của cồ đông Công ty mẹ năm 2021 là -36,78 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán họp nhất năm 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Ngày 30/01/2023, SGDCK TP.HCM nhận được Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý IV năm 2022 của Công ty và đã công bố thông tin ra thị trường. Theo đó, Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2022 là -84,48 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngày 20/6/2022, HOSE cũng ban hành Quyết định số 400/QĐ-SGDHCM về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HOT của Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2020 là -25,07 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là -21,098 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2020 và năm 2021, thuộc trường họp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Theo BCTC hợp nhất quý IV năm 2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm là -19,021 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) đến ngày 31/12/2022 là -64,448 tỷ đồng.

Một số đơn vị khác có nguy cơ thua lỗ là Công ty CP Hạ tầng Nước Sài Gòn (HOSE: SII) lỗ 86,3 tỷ đồng; Công ty CP Hoàng Hà (HNX: HHG) lỗ 57,7 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí Lắp máy Lilama (HNX: L35) lỗ 8,7 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 7 (HNX: LM7) lỗ 20,2 tỷ đồng, Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC) lỗ kỷ lục 238 tỷ đồng, Công ty CP Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) lỗ hơn 12 tỷ đồng.

Sẽ còn nhiều doanh nghiệp gặp khó

Theo Điều 122 NĐ 155, tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên hệ thống giao dịch Upcom. Đây được đánh giá là trở ngại lớn với các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt như những trường hợp của Vietnam Airlines. Tuy vậy, điều trước mắt mà các giới chủ, cổ đông những đơn vị kể trên quan tâm hơn cả là các phương án tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, xử lý các khoản lỗ lũy kế.

Đầu tháng 2 vừa qua, Vietnam Airlines đã có thư mời các đơn vị quan tâm tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ "Tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP tại Công ty MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec)". Theo định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021), Skypec là 1 trong 3 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch triển khai phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn để cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho Vietnam Airlines.

Về phía UDC, đơn vị này cho biết đang xây dựng đề án tái cơ cấu bao gồm việc chuyển nhượng các lô đất mà công ty UDEC đang nắm giữ tại dự án Nam Quốc Lộ 51 và các tài sản khác hiện không đem lại hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công ty. Trong khi đó, MCG cho biết sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 để sớm đưa vào phát điện thương mại và mang lại doanh thu cho năm 2023; đánh giá triển khai các dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn tại đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), dự án Cụm công nghiệp làng nghề Vân Từ (Hà Nội)…

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, rất khó để đánh giá triển vọng tái cơ cấu của các đơn vị này nhằm thoát “án” hủy niêm yết. Bên cạnh đó, năm 2023 triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Do vậy, sẽ có thêm nhiều cái tên tiếp tục thông báo lỗ và buộc phải hủy niêm yết.

Điểm mặt những loại cổ phiếu không nên mua

Những cổ phiếu bị làm giá, tính thanh khoản thấp, giá rẻ... có thể giúp nhà đầu tư sinh lời trong ngắn hạn nếu gặp ...

Triển vọng và thách thức nhóm cổ phiếu đầu tư công năm 2023?

Theo quan điểm của PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế ...

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn trong năm 2023?

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2023, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán